Thứ Tư, 24/04/2024 06:00:15 GMT+7

Tin đăng lúc 27-11-2018

Lượt xem: 4671

Xã Quỳnh Thọ: Phát triển chăn nuôi gắn với tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã và đang tích xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Đây được coi là giải pháp tích cực mang lại hiệu quả cao cho người dân trong việc xử lý ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm nguồn năng lượng tiêu thụ và tận dụng được chất thải của hầm Biogas để làm phân vi sinh phục vụ trồng trọt.
Xã Quỳnh Thọ: Phát triển chăn nuôi gắn với tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

Xã Quỳnh Thọ hiện có 1.951 hộ dân, trong đó có tới 20% số hộ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm với quy mô lớn. Trước đây, người dân trong xã chưa có ý thức trong việc xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường, bởi đa phần họ cho rằng, xây dựng hầm Biogas thì sẽ không còn phân để bón cho các loại cây trồng. Do đó, các hộ dân chỉ đào hố để thu gom chất thải chăn nuôi, nhưng lại không che đậy kín và cũng không thực hiện việc ủ phân hoại mục hay mua men vi sinh để xử lý. Mùi hôi khó chịu từ các hố chứa chất thải đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường trong khu dân cư, gây ô nhiễm và tác động xấu tới sức khỏe của người dân trong khu vực.

         

Trước thực trạng trên, từ năm 2014, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quỳnh Phụ, cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Thọ tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về những lợi ích từ hầm Biogas mang lại như: Bảo vệ môi trường quanh khu dân cư; chất thải chăn nuôi sau khi ủ trong hầm vẫn sẽ được dùng để bón cho cây trồng. Đặc biệt là giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu đốt phục vụ đời sống hàng ngày. Qua bốn năm vận động, đến nay, toàn xã Quỳnh Thọ đã có trên 350 hộ đầu tư xây dựng hầm Biogas.

         

Dẫn chúng tôi đi tham quan một số hộ chăn nuôi đang ứng dụng hầm Biogas tại địa phương, trên đường đi, ông Nguyễn Viết Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ chia sẻ: Ban đầu, bà con chưa tin tưởng lắm về những lợi ích khi xây dựng hầm Biogas và lo tốn kém chi phí đầu tư xây dựng. Từ ngày Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình hỗ trợ kinh phí, đồng thời, tổ chức các lớp tuyên truyền về lợi ích và tính hiệu quả khi sử dụng Biogas, cũng như được cán bộ xã phân tích, động viên thì người dân đã dần đồng ý và thực hiện.

         

Ghé thăm gia trại của gia đình chị Ngô Thị Chín ở thôn Bắc Sơn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy trình hoạt động của hầm Biogas mà gia đình chị xây dựng từ hai năm về trước. Chị cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thường xử lý phân lợn bằng cách gom lại thành đống rồi ủ, sau đó mang đi bón cho lúa, rau màu. Nhưng cách làm này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh bởi tình trạng bốc mùi hôi, nhiều nhất là vào những ngày nắng nóng. Thế rồi được các cấp chính quyền tư vấn và hỗ trợ 4 triệu đồng cho gia đình để xây dựng hầm Biogas, tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm 10 triệu đồng để xây dựng. Sau khi lắp đặt xong, tôi thấy môi trường chuồng trại trở nên sạch sẽ hơn. Đồng thời, gia đình còn tiết kiệm được từ 350.000 - 400.000 đồng/tháng cho việc mua gas, than, củi".

 

         

 

Bếp đun từ bể khí Biogas giúp người dân tiết kiệm chi phí

 

Khi chúng tôi hỏi thêm về lượng khí gas có đủ cho nhu cầu sử dụng đun nấu hàng ngày của gia đình hay không, chị Chín cho biết thêm: "Hiện trong chuồng có 40 con lợn và hàng ngày thải ra đủ lượng phân để làm Biogas. Cạnh chuồng là hầm Biogas được bịt kín nắp, có ống dẫn khí vào bếp để truyền chất đốt. Từ ngày làm hầm Biogas, khu chuồng trại nhà tôi không còn bốc mùi hôi, bà con trong xóm không còn phàn nàn như trước nữa, lại có khí gas cho gia đình sử dụng thoải mái". 

         

Còn tại trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Viết Hoàn ở thôn Đức Chính, mặc dù trang trại chăn nuôi với số lượng lớn (thời điểm cao nhất có thể nuôi tới hơn 100 con lợn thịt) nhưng khi tới gần khu chăn nuôi cũng không cảm thấy có mùi hôi khó chịu. Bởi khi xây dựng trang trại, anh đã đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống bể Biogas để xử lý chất thải. Anh Hoàn chia sẻ: Do trang trại chăn nuôi với số lượng lớn nên bình quân mỗi ngày đàn lợn thải ra hàng tạ phân. Nguồn phân được đưa vào bể Biogas xử lý thành khí đốt và làm phân bón cho trồng trọt. Nguồn khí đốt dồi dào được tận dụng trong sinh hoạt gia đình và nấu thức ăn cho gia súc.

         

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đạt Khánh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho biết: Địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Hàng năm, UBND xã đều phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt lồng ghép với hướng dẫn cách sử dụng bể Biogas sao cho an toàn, hiệu quả để người dân thấy được lợi ích lâu dài từ mô hình này. Việc sử dụng bể Biogas không chỉ tạo ra chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho người dân mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần giữ vững và nâng cao tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

         

Có thể thấy, từ những lợi ích thiết thực của việc chăn nuôi kết hợp với ứng dụng hầm Biogas đã góp phần rất lớn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây là tiền đề quan trọng để Quỳnh Thọ phát triển chăn nuôi theo hướng gia tăng về số lượng và nâng cao chất lượng, góp phần thiết thực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo ô nhiễm môi trường, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Tuấn Anh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang