Thứ Năm, 28/03/2024 19:47:07 GMT+7

Tin đăng lúc 05-07-2016

Lượt xem: 4623

Xây dựng thương hiệu địa phương, rất cần những người lãnh đạo tài giỏi, có tâm, có tầm

Thời gian qua, thương hiệu địa phương là khái niệm được rất nhiều người quan tâm, là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư và nguồn nhân lực, đóng góp vai trò lớn vào sự phát triển của địa phương và nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, mới chỉ có một số ít địa phương bước đầu xây dựng được thương hiệu riêng cho mình.
Xây dựng thương hiệu địa phương, rất cần những người lãnh đạo tài giỏi, có tâm, có tầm
Cầu Rồng góp phần làm nổi bật thương hiệu Đà Nẵng trong mắt khách du lịch

Một số ví dụ điển hình cho thương hiệu địa phương là TP. Hồ Chí Minh - được biết đến như trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước; Bình Dương - địa phương thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; Nha Trang - thành phố du lịch; Đà Nẵng - thành phố đáng sống; Lâm Đồng - nổi tiếng với nông nghiệp công nghệ cao, hay ngôi sao mới nổi Bắc Ninh - một trong những trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.

 

Những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài tìm đến một địa phương

 

Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, điều khiến nhà đầu tư quyết định đầu tư vào địa phương này chứ không phải địa phương khác bởi tính hấp dẫn của địa phương ấy, thông qua nhiều yếu tố tạo thành thương hiệu địa phương. Thương hiệu mỗi địa phương sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng góc nhìn về du lịch, công nghiệp hay môi trường… phù hợp với mục đích từng nhà đầu tư. Có hai yếu tố cốt lõi quyết định đến sự phát triển của thương hiệu là sự khác biệt và đẳng cấp. Hạ giá thuê đất, thêm ưu đãi, nhiều địa phương đã sử dụng cách này để tăng tính cạnh tranh của mình nhưng đến nay, chỉ những địa phương biết cách nâng giá trị của mình lên qua việc xây dựng thương hiệu mới có thể tạo ra được sự khác biệt. Thương hiệu thường được xác định dựa trên lợi thế tự nhiên hoặc lợi thế do con người tạo ra. Dòng vốn sẽ đổ vào đâu có môi trường tốt, nguồn lực lao động chất lượng, thể chế cải cách mạnh mẽ, vì vậy, câu chuyện thương hiệu địa phương không gì khác ngoài khác biệt về thể chế và chất lượng môi trường sống.

 

Lấy ví dụ về sự phát triển của Bình Dương trong 20 năm qua cho thấy một thực tế là thương hiệu địa phương không nhất thiết đến từ điều kiện tự nhiên hay lịch sử  mà có thể được tạo dựng bởi thể chế và tầm nhìn dài hạn. Tỉnh miền Đông Nam Bộ này có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Mới đây, tỉnh Bình Dương vừa phát triển đề án thành phố thông minh, một khái niệm hoàn toàn mới trong bối cảnh nhiều đô thị lớn hiện nay vẫn đang loay hoay với bài toán hạ tầng cơ bản. Với sự quy hoạch hợp lý và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thành phố mới Bình Dương đang hướng tới mục tiêu trở thành một thành phố thông minh với nếp sống và mức sống của người dân được nâng cao.

 

Định hướng tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của thương hiệu địa phương

 

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc ngân hàng Thế giới tại VN cho rằng phần nhận diện thương hiệu từng tỉnh là câu chuyện về năng lực cạnh tranh như Tp. Huế mạnh về văn hóa xã hội; Đà Nẵng là TP xanh, thể chế hiện đại… Mỗi địa phương có đặc trưng khác nhau có thể sử dụng như dấu ấn của mình, không chỉ lợi thế tự nhiên mới có thể xây dựng thương hiệu mà nó còn là dấu ấn về văn hóa, thể chế có thể tạo ra thương hiệu cho mình. Thế nhưng lợi thế là một chuyện, có phát huy được lợi thế đó hay không lại là chuyện khác. 25 năm trở nên là quãng thời gian cần thiết cho tầm nhìn phát triển của một địa phương. Vì vậy, thương hiệu của một địa phương một phần trong tầm nhìn đó không thể ngắn hạn. Nhiệm kỳ của chính quyền chỉ có 5 năm, nhưng việc xây dựng tầm nhìn, xây dựng những chiến lược, tổ chức thực hiện tầm nhìn đó là dài hạn, từng giai đoạn kết nối, có thể thay đổi chiến lược, còn tầm nhìn thì phải bền vững, không thay đổi.

 

 

Biển Đà Nẵng - thương hiệu điểm đến nổi tiếng cho khách du lịch biển

 

 

Vai trò của người lãnh đạo đối với sự phát triển thương hiệu địa phương

 

Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, lãnh đạo địa phương có một vai trò độc lập, tối cao trong địa phương đó. Hình ảnh của họ tạo nên cảm hứng cho toàn bộ cộng đồng địa phương. Họ không chỉ tối cao về chức quyền mà còn có một suy nghĩ vượt lên, tâm huyết với địa phương để thuyết phục bộ máy chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp. Có thể nói, cốt lõi đằng sau những địa phương bứt tốc trong thời gian vừa qua đều có hình ảnh một người lãnh đạo đủ sức thay đổi cả một bộ máy, Đà Nẵng có thể phát triển như ngày nay là nhờ ông Nguyễn Bá Thanh khi còn là Bí thư Thành ủy; ông Phạm Minh Chính ở tỉnh Quảng Ninh, hay ông Đinh La Thăng Bí thư TP.HCM hiện nay.

 

Đồng Tháp là một tỉnh chủ yếu phát triển nông nghiệp nhưng là địa phương hai năm liền đứng thứ II về năng lực cạnh tranh các tỉnh PCI, đứng đầu cả nước về các chỉ số: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính năng động và thiết chế pháp lý.

 

Kho chứa gạo của hợp tác xã cho phép nông dân có thể ký gửi lúa gạo ở kho cho tới khi được giá thì mới bán. Nhờ đó họ không còn phải lo bị tư thương ép giá. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, muốn giúp đỡ nông dân thoát nghèo, thì cách duy nhất là giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, bởi chỉ có doanh nghiệp mới có hiểu biết về thị trường và đem được sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Đồng Tháp đã làm mọi điều có thể để khuyến khích các doanh nghiệp về với nông thôn. Sự hỗ trợ này chủ yếu tập trung vào các cơ chế chính sách, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục hành chính và cơ chế tín dụng.

 

Ông Lê Thanh Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay chính sách nằm rải rác ở nhiều danh bạ của pháp luật, do đó bản thân các cơ quan tổ chức từ tỉnh xuống huyện, xã đều thực hiện chủ động rà soát, đánh giá các chính sách có thể thực hiện. Các chính sách thuộc thẩm quyền của cấp trên đều được kiến nghị điều chỉnh với các bộ, ngành chính phủ tích hợp các chính sách để các doanh nghiệp hiểu và dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, đối thoại thường niên với cộng đồng doanh nghiệp cũng là điều mà tỉnh Đồng Tháp hết sức quan tâm. Đây là một sân chơi mở để cộng đồng doanh nhân trong tỉnh cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm làm ăn. Khi lãnh đạo các tỉnh, ban ngành tham dự diễn đàn, doanh nghiệp sẽ cảm thấy tự tin hơn trong quá trình tham gia hội nhập. Quyết định đầu tư của các doanh nghiệp đôi khi chỉ nhìn vào thái độ của lãnh đạo các tỉnh. Nếu các lãnh đạo trong tỉnh không có tiếng nói chung thì không thể đầu tư.

 

Câu chuyện ở Đồng Tháp đã chỉ ra một bài học, để thu hút được doanh nghiệp thì sự linh hoạt, linh động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là điều tối quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm đặt lên vai người đứng đầu địa phương vô cùng lớn. Người lãnh đạo tối cao phải chịu trách nhiệm toàn bộ trách nhiệm cơ quan mình quản lý thì bộ máy mới đạt hiệu quả. Họ phải là người truyền cảm hứng cho bộ máy chứ không phải làm cả bộ máy hoạt động chỉ vì sợ mình.

 

Hiện tại ở Việt Nam, do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể chưa được phân ra rõ ràng, hơn nữa, áp lực được đặt ra cho người lãnh đạo địa phương chưa đủ mạnh, do đó lâu lâu mới có một khu vực phát triển nổi lên. Vai trò của bộ ngành chỉ giới hạn ở hoạch định chính sách, việc thực hiện nằm ở dưới các địa phương. Cấu trúc người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương phải vận hành rõ ràng thì mới tạo ra sự phát triển.

 

Một nền kinh tế quốc dân chỉ có thể phát triển khi các địa phương cùng phát triển. Muốn vậy, xây dựng thương hiệu địa phương khác biệt, đẳng cấp, thu hút đầu tư là vô cùng quan trọng, sự liên kết, hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi làm nên thành công của thương hiệu. Trong đó, người lãnh đạo có vai trò đặc biệt hơn cả, đằng sau mỗi thương hiệu địa phương là thương hiệu của người lãnh đạo địa phương đó. Vì vậy, Việt Nam rất cần những người lãnh đạo tài giỏi, có tâm, có tầm, luôn hết mình vì đời sống ấm no, hạnh phúc, kinh tế phát triển của nhân dân địa phương mình, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

 

Đỗ Thủy – Minh Loan


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang