Thứ Sáu, 29/03/2024 16:28:40 GMT+7

Tin đăng lúc 20-02-2019

Lượt xem: 2646

Xe ô tô nhập khẩu giá rẻ lại ồ ạt về Việt Nam

Với dự báo nguồn cung xe nhập khẩu sẽ hồi phục trong thời gian tới thì mức độ cạnh tranh trên thị trường ô tô Việt Nam năm 2019 cũng sẽ gay gắt và khốc liệt hơn.
Xe ô tô nhập khẩu giá rẻ lại ồ ạt về Việt Nam
Xe ô tô nhập khẩu giá rẻ lại ồ ạt về Việt Nam trong tháng 1/2019 (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2019 vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 11.658 chiếc, trị giá hơn 273 triệu USD. So với tháng 12/2018, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,8% về số lượng và giảm 10,6% về giá trị.

 

Tuy nhiên, nếu so sánh với tháng 1/2018, khi ô tô nhập khẩu đang gặp rào cản do Nghị định 116 thì lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 1/2019 tăng 4,6% và giá trị nhập khẩu tăng 1,4%.

 

Về xuất xứ, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan có số lượng lớn nhất lên tới 7.345 chiếc, trị giá hơn 153 triệu USD, chiếm 63% về số lượng và 56% về trị giá trong toàn bộ lượng ô tô nhập khẩu vào tháng 1/2019. Tiếp theo là Indonesia với 2.761 xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam, thấp hơn so với tháng trước.

 

Những quốc gia còn lại đều có lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam không lớn như Trung Quốc 397 chiếc, Nhật Bản 383 chiếc, Đức 297 chiếc và Mỹ 210 chiếc.

 

Về mức giá trung bình, Indonesia và Thái Lan vẫn là 2 quốc gia có mức giá trung bình của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam ở mức thấp nhất do được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Ô tô nhập khẩu từ Indonesia chỉ khoảng 14,2 nghìn USD (tương đương 329 triệu đồng) còn mức giá trung bình của xe nhập khẩu từ Thái Lan là 20,9 nghìn USD (484 triệu đồng).

 

Ngược lại, Pháp là quốc gia cung cấp xe ô tô nhập khẩu đắt đỏ nhất về Việt Nam khi giá bán trung bình của xe nhập khẩu lên tới 455 nghìn USD (tương đương 10,5 tỷ đồng) do một số đơn vị trong nước nhập khẩu siêu xe.

 

Thị trường ô tô Việt Nam đã đi qua năm 2018 với những hai thái cực khác nhau: ảm đạm trong nửa đầu năm và sôi động trở lại vào nửa cuối năm. Nguyên nhân được chỉ ra là do những tác động từ Nghị định 116/2017/NĐ-CP ban hành các quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô. Các quy định tại nghị định này đã khiến kết quả kinh doanh của nhiều hãng xe không thực sự khả quan. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, giới phân tích dự báo phân khúc xe nhập khẩu sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy thị trường ô tô Việt Nam phát triển nhưng cũng đem đến sự cạnh tranh khốc liệt cho các hãng xe trong nước.

 

Năm 2019, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước nội khối kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ôtô đến từ các quốc gia này dao động trong khoảng 300 - 500 triệu đồng. Đây là mức giá phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam.

 

Không chỉ vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2019. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại tín hiệu tốt cho dòng xe hơi cao cấp. Bởi theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu đối với ôtô có xuất xứ từ châu Âu sẽ được cắt giảm dần từ mức 70% về 0% trong vòng 10 năm tới.

 

Với sự trỗi dậy của xe nhập khẩu dự báo thị trường ô tô Việt Nam sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt với xe lắp ráp sản xuất trong nước. Trước đó, Nhóm Công tác ngành ô tô xe máy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VPF) cuối kỳ cũng từng đánh giá, “trong bối cảnh hiện nay, quy mô thị trường và trình độ phát triển, chúng tôi phải thừa nhận rằng xe sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu từ các nước ASEAN”.

 

Nhóm cũng đề nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ như: duy trì và thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và dài hạn, gồm cả việc hạn chế các tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định của thị trường. Các chính sách về thị trường cần đảm bảo đối xử công bằng, rõ ràng và có thời gian hợp lý để các doanh nghiệp kịp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh. Hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện nhập khẩu) và xe CBU (xe nhập khẩu nguyên chiếc) dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch với tất cả các hãng xe trong nước…

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang