Thứ Năm, 28/03/2024 16:17:49 GMT+7

Tin đăng lúc 19-12-2018

Lượt xem: 5607

“Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới – Những điều doanh nghiệp cần biết”

Đó là nội dung chính của cuộc Hội thảo vừa diễn ra vào chiều 19/12/2018, tại Hà Nội, do Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tổ chức.
“Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới – Những điều doanh nghiệp cần biết”
Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương); ông Tadayoshi Hiraki – Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Quốc tế và các thành viên thuộc Bộ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI); cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức liên quan tại Việt Nam.

 

Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại Thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định này và sử dụng chúng một cách phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chính doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, Hội thảo này sẽ nhằm tăng cường giúp doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan liên quan của Việt Nam cập nhật thêm các thông tin mới về pháp luật và xu hướng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới, đặc biệt là thực tiễn và kinh nghiệm xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của Nhật Bản…”.

 

 

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Theo thông tin Hội thảo, công cụ phòng vệ thương mại mà WTO và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cho phép áp dụng gồm 3 biện pháp: chống bán phá giá; chống trợ cấp và tự vệ. Theo số liệu của WTO, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 5/2018, các thành viên WTO đã khởi xướng điều tra thêm 173 biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, bao gồm 137 biện pháp chống bán phá giá, 28 biện pháp chống trợ cấp và 8 biện pháp tự vệ. Số các biện pháp phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra này còn chưa tính đến biện pháp chống lẩn tránh chiếm tới hơn 40% tổng số các biện pháp chính sách tác động đến thương mại mà các thành viên WTO thực hiện trong giai đoạn này.

 

Trong khuôn khổ Hội thảo, Đại diện METI và Cục Phòng vệ Thương mại - TRAV (Bộ Công Thương Việt Nam) đã có các tham luận: “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong các vụ việc về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản (tập trung vào ngành Thép)”; “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xử lý các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO”; “Ảnh hưởng của các vấn đề thương mại gần đây đối với thương mại thế giới” và “Xu hướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới hiện nay – Những điều doanh nghiệp cần biết”…

 

Với nhiều nội dung hữu ích, cập nhật thời cuộc, Hội thảo đã giới thiệu được những công cụ quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải quyết các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại một cách hiệu quả và phù hợp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Nam Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang