Thứ Sáu, 19/04/2024 22:03:04 GMT+7

Tin đăng lúc 05-01-2016

Lượt xem: 4884

Xuất khẩu 2016: Trông cậy nhiều vào các FTA

Xuất khẩu 2015 không đạt được mục tiêu đề ra là tăng trưởng 10%, có nhiều nguyên nhân nhưng chung quy vẫn là những điểm yếu cốt lõi về nội tại của hàng xuất khẩu Việt Nam như có nhiều sản phẩm có lượng xuất khẩu lớn nhưng “trắng” thương hiệu, chất lượng kém.… Do vậy, năm 2016, muốn đạt và vượt chỉ tiêu, sản phẩm xuất khẩu phải khắc phục các nhược điểm trên, đồng thời tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường mà chúng ta đã kí kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (FTA).
Xuất khẩu 2016: Trông cậy nhiều vào các FTA
Chỉ riêng các nước FTA với Việt Nam: Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh Á Âu, Việt Nam liên minh châu Âu và TPP, tổng nhu cầu nhập khẩu lên đến khoảng 8.245 tỷ USD.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên một thực tế là: “Các Hiệp định thương mại chúng ta đàm phán cho kết quả rất tốt nhưng chúng ta lại chưa tận dụng được các cơ hội của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu (XK), trong khi hàng rào kỹ thuật bảo vệ thị trường trong nước kém khiến cho hàng hóa của DN sẽ phải vất vả cạnh tranh khi hội nhập”.

 

“Các hiệp định là điều kiện để chúng ta thành công, bây giờ phải tuyên truyền cho người dân, cho DN hiểu về các cam kết trong hiệp định, thuận lợi, khó khăn thế nào chứ không phải chỉ ký kết rồi xong. Ký kết rồi phải có chương trình hành động, phải đầu tư, DN phải nỗ lực tái cơ cấu để vươn lên hội nhập…”?,Thủ tướng chỉ đạo.

 

Xuất khẩu “trắng” thương hiệu

 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, diễn biến phức tạp của thị trường thương mại thế giới trong năm 2015 đã có những tác động tiêu cực đến kim ngạch XK của Việt Nam. Hàng loạt các sản phẩm, mặt hàng vốn có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là dầu thô, đều gặp khó khăn về giá cũng như thị trường bị thu hẹp. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, cà phê, gạo… cũng do cung cầu bất ổn định dẫn tới áp lực lớn cho XK của Việt Nam.

 

Bộ Công Thương cho biết, năm 2015, XK không đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng 10% khi tổng kim ngạch XK ước đạt khoảng 162,4 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 8,1% so với năm 2014, tương đương 12,2 tỷ USD. Còn nhập siêu đã quay lại (năm ngoái xuất siêu 2 tỷ USD) mặc dù vẫn nằm trong phạm vi cho phép của Quốc hội là dưới 5%.

 

Nhóm các DN có vốn FDI tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kim ngạch XK. Đơn cử, tính riêng hai mặt hàng điện thoại các loại, linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đóng góp 12,7% kim ngạch XK.

 

Khối FDI đã chiếm tỷ trọng trên 2/3 tổng kim ngạch XK cả nước. Trong khi đó, khối DN nội địa chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 1/3. Các DN FDI chủ yếu xuất siêu, trong khi các DN trong nước vẫn đang nhập siêu khá lớn. Các sản phẩm XK của Việt Nam trước đây vẫn được coi là có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, dầu thô, than đá… thời gian qua tiếp tục có sự sụt giảm rất sâu về giá cũng như lượng XK.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, đây chính là vấn đề nội tại của chúng ta. Có thể thấy sự cạnh tranh của nền kinh tế thể hiện qua giá trị gia tăng sản phẩm liên quan đến hàm lượng công nghệ, năng suất lao động, thương hiệu của ta trên thị trường thế giới.

 

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều sản phẩm có lượng XK lớn nhưng chưa xây dựng được thương hiệu, chưa tạo được ra chuỗi sản xuất trên thị trường thế giới. Ví dụ như: nông sản, gạo, cà phê, cao su… dù quy mô XK lớn nhưng giá trị thương hiệu chưa được định hình, chất lượng cũng chưa ổn định nên đây là vấn đề lớn khi ta thực hiện các khuôn khổ hội nhập trong thời gian tới”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

 

Bên cạnh đó, trình độ năng lực sản xuất của Việt Nam cũng khiến giá trị sản phẩm chưa cao, trong đó hạn chế của công nghiệp phụ trợ cũng khiến ta phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu NK, phụ thuộc vào các thị trường đầu vào, nguyên liệu sơ chế. Cụ thể là ngành dệt may, da giày còn phụ thuộc nhiều vào NK, đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong nước cũng như của các ngành kinh tế.

 

Dư địa còn nhiều

 

Năm 2015 được xem là năm của hội nhập, Việt Nam đã kết thúc đàm phán 4 Hiệp định thương mại FTA, quan trọng là các FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu, Liên minh châu Âu và Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, Việt Nam đã khai thông được hai thị trường XK lớn thứ nhất và hai là Mỹ và EU, mở lại thị trường truyền thống Nga, các nước SNG cũng như kết nối chặt chẽ hơn với nền kinh tế Hàn Quốc. Đây là thời cơ lớn để chúng ta mở rộng thị trường XK.

 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các FTA mà Việt Nam tham gia dù trong khuôn khổ đa phương hay song phương đều mở rộng thị trường XK cho hàng hóa Việt Nam. Như kim ngạch XK sang Hàn Quốc tính trung bình 3 năm trước khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc chỉ đạt trên 700 triệu USD, 3 năm sau đạt 1,7 tỷ USD, tăng 142%. Kim ngạch XK sang Ấn Độ tính trung bình 3 năm trước khi có AIFTA đạt gần 330 triệu USD thì 3 năm sau đạt 1,45 tỷ USD…

 

Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 1% trong tổng nhu cầu các nước, khu vực thị trường có FTA với Việt Nam. Cụ thể, năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc là 525 tỷ USD, XK của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 7,14 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 1,4%. Liên minh Á – Âu có kim ngạch nhập khẩu năm 2014 là hơn 394 tỷ USD. XK của Việt Nam vào thị trường này đạt 1,96 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 0,5%.

 

Thị trường EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới với kim ngạch 2.232 tỷ USD. EU là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, năm 2014 với 27,9 tỷ USD. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng cơ cấu nhập khẩu của EU, hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 1,25%.

 

Tổng dung lượng nhập khẩu của các nước TPP năm 2014 khoảng trên 5.094 tỷ USD. XK của Việt Nam sang các nước này khoảng 58 tỷ USD, chiếm khoảng 1,16% thị phần.

 

Như vậy, chỉ riêng các nước FTA với Việt Nam: Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh Á - Âu, Việt Nam - EU và TPP thì tổng nhu cầu nhập khẩu lên đến khoảng 8.245 tỷ USD, trong khi kim ngạch XK của Việt Nam sang các thị trường này mới chỉ đạt khoảng 95 tỷ USD, chiếm 1,15%.

 

Vì vậy, năm 2016, chỉ tiêu ngành Công Thương được Quốc hội giao là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015, XK đạt 178 tỷ USD tăng 10% so với năm 2015, tỷ lệ nhập siêu duy trì dưới mức 5%. Để đạt được mục tiêu này, các DN XK không thể bỏ qua cơ hội từ các thị trường còn quá nhiều dư địa này.

 

Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương

Vấn đề cốt lõi của chúng ta vẫn là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực phát triển sản xuất, thương mại trong phạm vi nội địa và toàn cầu. Thực tế cho thấy khó khăn còn rất lớn, đặc biệt, những cam kết hội nhập đang hàm chứa việc phải mở cửa thị trường cho các DN, các hàng hóa nước ngoài, cạnh tranh trực tiếp và gia tăng trong thị trường nội địa.

Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Một trong những khó khăn nhất của chúng ta không phải là sản xuất vì năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt, thậm chí còn dư thừa. Chẳng hạn như gạo hiện dư thừa khoảng 7-8 triệu tấn; cà phê, chè, thủy sản chỉ tiêu thụ một phần trong nước còn phần lớn là XK. Nhưng để tận dụng được những cơ hội, chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu của các nước. Và, chúng ta có nắm bắt được hay không thì phải phụ thuộc vào yếu tố nội tại của chúng ta vì hiện nay, khả năng của chúng ta còn tương đối yếu.

Ts. Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương

Để năm 2016 đạt được mục tiêu XK, tôi nghĩ rằng cần thực thi tốt các FTA, ưu đãi mà FTA mang lại, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho DN, thủ tục cấp phép thông thoáng, dễ dàng giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí làm cho hàng hóa cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, tìm kiếm thị trường mới như khu vực châu Phi, Liên minh kinh tế Á – Âu, thay vì chú trọng vào các thị trường Mỹ, Đông Bắc Á.

 

Theo Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang