Thứ Bẩy, 20/04/2024 17:44:12 GMT+7

Tin đăng lúc 07-07-2016

Lượt xem: 2397

Xuất khẩu 6 tháng cuối năm: Cần sự nỗ lực rất lớn

6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa cả nước tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Từ nay đến hết năm, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động đến hoạt động XK nước ta. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu như Quốc hội giao, cần sự nỗ lực rất lớn từ các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Xuất khẩu 6 tháng cuối năm: Cần sự nỗ lực rất lớn
6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa có nhiều điểm sáng

Bộ Công Thương ước tính, kim ngạch XK hàng hóa tháng 6 đạt 14,8 tỷ USD, tăng 3% so với tháng 5/2016. Tính chung 6 tháng, kim ngạch XK ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến giữ được mức tăng lần lượt là 6% và 8,2% nhờ các mặt hàng cà phê, rau quả, hạt tiêu, dệt may, da giày, máy móc linh kiện, điện tử… kim ngạch tăng khá. Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản vẫn giảm sâu (38,7%).

 

Tại cuộc họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 6 diễn ra mới đây, bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - phân tích, 6 tháng đầu năm, tình hình XK có nhiều điểm sáng đáng lưu ý. Thứ nhất, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã tăng trưởng tương đối khá với 6% sau một năm hết sức khó khăn. Thứ hai, kim ngạch XK của khối các doanh nghiệp trong nước tăng trưởng dương (3,3%), trong khi năm ngoái, khối này tăng trưởng âm. Thứ ba, sau 6 tháng, cả nước vẫn xuất siêu 1,538 tỷ USD. Đặc biệt, con số tăng trưởng kim ngạch XK 5,9% so với cùng kỳ dù chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng lại là kết quả khả quan nếu so với mức tăng trưởng âm của hàng loạt quốc gia lân cận như Trung Quốc, Indonesia…

 

Dù vậy, 6 tháng cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng XK 10% như Quốc hội giao là điều tương đối khó khăn. Nguyên nhân do kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động đến việc XK. Giá dầu đã tăng trở lại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khác với quy luật mọi năm.

 

Chia sẻ về việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động như thế nào đến tình hình XK của nước ta trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới, ông Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: “Do quyết định rời khỏi EU mới được công bố, Anh sẽ cần một thời gian để đàm phán với EU những chính sách riêng về kinh tế và xuất nhập khẩu. Cho nên, trước mắt, trừ những doanh nghiệp đang giao dịch xuất nhập khẩu với quốc gia này bằng đồng bảng Anh, cơ bản XK nước ta không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về lâu dài, việc Anh rút khỏi EU trong hoàn cảnh Việt Nam vừa kết thúc đàm phán FTA với khối này với hàng loạt những ưu đãi thuế quan sẽ gây nên những tác động không nhỏ với tình hình XK”.

 

Trước đó, Bộ Công Thương đã ra Chỉ thị số 06/CT-BCT về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK trong năm 2016. Theo đó, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có trách nhiệm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường kịp thời, chính xác; dự báo những thuận lợi và khó khăn trong XK để doanh nghiệp chủ động kế hoạch. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất; tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, phổ biến thông tin cho DN để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ FTA… Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, bãi bỏ bớt điều kiện kinh doanh không cần thiết...

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: 

Xúc tiến thương mại hay phổ biến thông tin về các FTA không phải là giải pháp để tăng nhanh kim ngạch XK ngay lập tức. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần có trách nhiệm tự xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, tìm hiểu thông tin về các FTA, tìm kiếm bạn hàng… nhằm đẩy mạnh XK.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang