Thứ Sáu, 19/04/2024 22:12:52 GMT+7

Tin đăng lúc 01-05-2017

Lượt xem: 3450

Xuất khẩu, động lực tăng trưởng sau Giải phóng

Xuất/nhập khẩu có vai trò quan trọng và được đánh giá là thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam sau 42 năm thống nhất.
Xuất khẩu, động lực tăng trưởng sau Giải phóng
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Hùng Thập

Nhìn tổng quát, tốc độ tăng bình quân năm của tổng xuất khẩu hàng hóa và xuất/nhập khẩu bình quân đầu người trong thời kỳ 1977 - 2016 đều rất cao (ở mức hai chữ số) và trong thời gian khá dài, cao hơn các ngành, lĩnh vực khác trong thời gian tương ứng.

 

Dấu ấn hội nhập với nền kinh tế thế giới

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, năm 2015 đã đạt trên 176,6 tỷ USD, cao gấp 739,5 lần năm 1976, bình quân 1 năm tăng 18,2% - cao hơn nhiều so với các con số tương ứng của GDP (9,84 lần và 5,73%/năm). Hệ số giữa tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng GDP lên đến gần 3,2 lần. Theo đó, xuất khẩu đã trở thành lối ra, thành động lực của tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng cao do nhiều yếu tố. Có yếu tố do tăng trưởng sản xuất, góp phần làm cho một số sản phẩm sản xuất đã vượt nhu cầu tiêu dùng ở trong nước, tạo điều kiện để xuất khẩu. Có yếu tố do đường lối mở cửa, hội nhập, với chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa về ngoại giao, đầu tư, thương mại…

 

Xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người năm 2016 đạt 1905,4 USD, cao gấp 433 lần năm 1976. Năm 2016 có 24 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Có một số mặt hàng đứng thứ hạng cao trên thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam đã có 1 mặt hàng vượt qua mốc 30 tỷ USD (điện thoại). Cơ cấu mặt hàng mấy năm nay đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng hàng thô hoặc mới sơ chế giảm (từ trên một nửa năm 2000 xuống còn dưới một phần ba năm 2016), tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng (tương ứng từ dưới một nửa lên trên hai phần ba); trong cơ cấu mặt hàng chế biến hoặc đã tinh chế thì các mặt hàng có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao hơn (như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải…) tăng cao hơn.

 

Tỷ lệ tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/GDP năm 2016 đã đạt 86%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 5% của năm 1985 và thuộc loại khá cao trên thế giới. Nếu tính cả xuất và nhập khẩu/GDP đã đạt 170,8%; nếu tính cả xuất nhập khẩu dịch vụ thì đạt 363 tỷ USD, bằng 176,8%, nằm trong tốp 5 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá rộng.

 

Hàng hóa của Việt Nam năm 2016 đã có mặt ở gần 240 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, gấp 7 lần năm 1986, trong đó có 27 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh, Thái Lan, Malaysia, Italia, Pháp…, trong đó lần đầu tiên có một thị trường vượt qua mốc 30 tỷ  USD là Hoa Kỳ (gần 38,5 tỷ USD).

 

Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước; là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới; ký kết 5 Hiệp định thương mại tự do song phương, 7 Hiệp định thương mại tự do đa phương. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại tự do với 55 nền kinh tế.

 

Xuất khẩu dịch vụ năm 2016 đạt 12,3 tỷ USD, cao gấp gần 2,9 lần năm 2005, bình quân một năm tăng 10,1%, là tốc độ khá. Khả năng quy mô xuất khẩu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng tốc do Việt Nam mở cửa, hội nhập nói chung và mở cửa, hội nhập về dịch vụ ngày một sâu, rộng hơn nói riêng.

 

Nhìn tổng quát, tốc độ tăng bình quân năm của tổng xuất khẩu, tổng xuất khẩu hàng hóa và xuất/nhập khẩu bình quân đầu người trong thời kỳ 1977 - 2016 đều rất cao (ở mức hai chữ số) và trong thời gian khá dài, cao hơn các ngành, lĩnh vực khác trong thời gian tương ứng.

 

Vẫn còn không ít thách thức

 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, về xuất nhập khẩu hiện còn những hạn chế, bất cập  đứng trước những thách thức không nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu đạt quy mô và tăng trưởng khá, nhưng giá trị gia tăng không cao, thực thu ngoại tệ không lớn do tỷ trọng hàng thô, mới sơ chế hoặc hàng gia công, lắp ráp còn cao. Trong hai khu vực, khu vực kinh tế trong nước tăng thấp, chiếm tỷ trọng thấp và giảm. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu lớn, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn. Nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore. Xuất khẩu dịch vụ còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (năm 2016 chiếm 6,5%); nhập siêu dịch vụ lớn (năm 2016 là 5,4 tỷ USD), trong đó nhập siêu về dịch vụ vận tải rất lớn.

 

Việt Nam cần đón cơ hội tham gia AFTA thế hệ mới để tranh thủ cơ hội, vừa tăng được kim ngạch xuất khẩu, vừa giảm được nhập siêu. Nhưng nếu không nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thì có thể bị thua trên sân nhà. Với xu hướng bảo hộ mậu dịch trở lại và Sắc lệnh thuế biên giới của Hoa Kỳ, thì xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ không có tốc độ tăng như cũ...

 

Nguồn Kinhtedothi.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang