Thứ Sáu, 29/03/2024 04:31:52 GMT+7

Tin đăng lúc 10-09-2020

Lượt xem: 921

Xuất khẩu tôm sang EU bật tăng trên 20% nhờ EVFTA

Nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tìm đến tôm Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Nửa đầu tháng 8 năm nay, XK mặt hàng này sang EU đạt 29,4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu tôm sang EU bật tăng trên 20% nhờ EVFTA
Xuất khẩu tôm sang thị trường EU được dự báo tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2020

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, EU là thị trường nhập khẩu (NK) tôm lớn thứ tư của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, XK sang thị trường này tháng 7 và 8 có dấu hiệu tăng so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm ngoái.


Cụ thể, sau khi giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 7/2020 đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019. Nửa đầu tháng 8 năm nay, XK mặt hàng này sang EU đạt 29,4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. XK tôm sang EU tháng 8 năm nay có thể tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019.

 

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU về 0%: Tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) từ mức hiện tại 12,5%; Tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm chân trắng thịt đông lạnh…) từ mức hiện tại 20%; Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 từ mức 12% hiện tại.

 

Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18%. Sau 7 năm: tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm mã HS 16052190 (tôm khác) sẽ được điều chỉnh từ mức 20% về 0%.

 

Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%. Vì vậy, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 sẽ mang đến hi vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.

 

Tuy nhiên, VASEP cho rằng, ngành tôm Việt Nam cần biết rõ thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu để tận dụng được cơ hội này. Tại châu Âu, dịch bệnh COVID-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu châu Âu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân châu Âu. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh trong khi nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi ít hơn trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền, sản phẩm đóng gói kiểu MAP tăng.

 

Những năm gần đây, người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch COVID-19 xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.

 

Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu ASC nhưng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam mới đạt khoảng 6%/tổng diện tích nuôi. Nguyên nhân là do tôm nuôi của Việt Nam đa phần nhỏ lẻ, các hộ nuôi không kham nổi chi phí chứng nhận, chỉ có trang trại nuôi lớn mới đáp ứng được. Do đó, để đón đầu được cái ưu đãi mà EVFTA mang lại, Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên nhằm đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn này.

 

Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang