Thứ Năm, 25/04/2024 06:17:01 GMT+7

Tin đăng lúc 01-11-2015

Lượt xem: 5019

Xuất thô: Đến lượt ngành chè kêu cứu

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn cầu cứu Hiệp hội Chè Việt Nam hỗ trợ tìm đầu ra cho lượng chè đang tồn kho hơn 2.000 tấn. Xuất khẩu suy giảm hiện là tình cảnh chung của ngành chè, trong đó phải kể tình trạng xuất thô giá rẻ và nạn tồn dư hoá chất vượt mức. Không lẽ ngành chè "đầu hàng"?
Xuất thô: Đến lượt ngành chè kêu cứu
Xuất khẩu chè đang gặp khó vì xuất khẩu thô và "chè bẩn"

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu chè trong 10 tháng 2015 đã giảm mạnh, ước còn 99.000 tấn, giá trị đạt 170 triệu USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Ngoại trừ Pakistan – thị trường xuất khẩu chè lớn nhất hiện nay của Việt Nam, vẫn tăng trưởng ổn định hoặc xuất khẩu tăng ở các thị trường dễ tính như Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Ucraina, Nga, các thị trường lớn khác đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh.

 

Vì sao khó xuất ngoại? 

 

Có thể kể như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là hai thị trường sụt giảm xuất khẩu chè mạnh nhất. Xuất khẩu chè sang Ấn Độ giảm 581,67% về lượng và giảm 344,8% về trị giá; xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm 78,3% về lượng và giảm 82,87% về trị giá.

 

Riêng Đài Loan, thị trường xuất khẩu chè lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm đến 12,74% tổng trị giá xuất khẩu, lại đang có dấu hiệu chững lại khi từ năm ngoái đã ra các điều kiện nghiêm ngặt về hoạt chất fibronil trên chè ô long chỉ ở mức 0,002ppm (dường như bằng 0) thì mới được phép xuất khẩu.

 

Đâu là nguyên nhân thực sự của tình trạng suy giảm trên?

 

Theo các chuyên gia ngành chè, do chạy theo thành tích xuất khẩu nên 90% lượng chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn là xuất thô. Đây cũng là điểm mấu chốt làm cho chè Việt có giá trị thấp (chỉ bằng 50 – 60% giá bình quân thế giới) vì không có thương hiệu. 

 

Ngoài ra, vấn đề tồn tại hiện nay của các doanh nghiệp xuất khẩu chè chính là tính liên kết còn yếu, chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Các doanh nghiệp cũng chậm đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, thiếu chú trọng các chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) các sản phẩm xuất khẩu chè có giá trị gia tăng cao.

 

Thêm vào đó, ở một số quốc gia muốn bảo vệ ngành chè của họ hoặc lý do bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng nên thị trường lớn điển hình như Đài Loan hay các nước EU đã dựng các "hàng rào" về dư lượng hoá chất trong sản phẩm chè. Chính điều đó đã làm cho lượng chè xuất khẩu phải trả về trong nhiều năm nay khá lớn.

 

Đơn cử như các doanh nghiệp chè Lâm Đồng đang gặp nhiều rào cản lớn từ phía Đài Loan. Cách đây khoảng nửa năm, có 36 tấn chè của các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã bị thị trường này trả về vì bị nhiễm dư lượng fipronil. Còn vào năm 2014, hàng chục tấn chè xuất khẩu của Lâm Đồng cũng bị trả về với tình cảnh tương tự.

 

Thế nhưng từ đó cho đến nay, tình hình vẫn chưa được các doanh nghiệp chè Lâm Đồng cải thiện do vẫn còn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức theo quy định. Vì vậy lượng chè tồn kho của Lâm Đồng đến nay còn khá lớn, không thể xuất được (đến hơn 2.000 tấn).

 

Cách thức thích ứng?

 

Điều đáng nói là các doanh nghiệp chè ở Lâm Đồng đã quá phụ thuộc chủ yếu vào thị trường xuất khẩu Đài Loan, lại chậm thích ứng các điều kiện ngặt nghèo từ các nước nhập khẩu. 

 

Trong khi đó, không chỉ đối với riêng fipronil như Đài Loan đã cấm mà cả nhiều hoạt chất khác như carbendazim, cypermethrin, buprofezin… vẫn còn tồn tại trong sản phẩm chè xuất khẩu.

 

Động thái của UBND tỉnh Lâm Đồng vào cuối tháng 10/2015 là gửi công văn đề nghị Hiệp hội Chè Việt Nam hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới cho thấy sự chậm chạp, bất lực trong việc tìm đầu ra của chính ngành chè Lâm Đồng.

 

Đây cũng là bài học để doanh nghiệp chè ở các địa phương khác cần lưu ý nhằm có giải pháp xuất khẩu, tiêu thụ phù hợp. Bởi nếu không đáp ứng các điều kiện tiêu chất lượng cao thì sẽ dễ dàng bị đánh bật trước đối thủ cạnh tranh. 

 

Các doanh nghiệp có thể tham khảo cách làm của công ty cổ phần chè Tân Cương – Hoàng Bình ở Thái Nguyên hiện nay. Công ty này lúc trước cũng gặp không ít khó khăn, hàng năm xuất khẩu khoảng 2.500 tấn chè thành phẩm/năm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. 

 

Bà Đỗ Thị Đức Lý, Giám đốc công ty, cho biết hiện nay, doanh thu của công ty từ đầu năm 2015 đến nay đã tăng hơn 20% so với năm ngoái nhờ vào việc đầu tư quảng bá thương hiệu, liên kết với các hợp tác xã, hộ trồng chè quy mô lớn tạo vùng nguyên liệu ổn định. 

 

Mặt khác, công ty cũng tập trung phát triển thị trường trong nước thông qua hệ thống các siêu thị lớn và các nhà phân phối lớn về ngành hàng thực phẩm, đồ uống.

 

Rõ ràng, nếu muốn tăng giá trị xuất khẩu và có đầu ra ổn định, việc thích ứng như cách thức trên là chuyện cần làm của các doanh nghiệp ngành chè trong lúc này. 

 

Riêng chuyện "chè bẩn, chè độc" từ dư lượng hoá chất, ngành chè nên sớm có giải pháp căn cơ chứ không để tồn tại kéo dài gây khó cho xuất khẩu như tình cảnh hiện giờ.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang