Thứ Sáu, 29/03/2024 20:03:40 GMT+7

Tin đăng lúc 25-01-2017

Lượt xem: 14511

Ý nghĩa về tục gói bánh chưng ngày Tết Nguyên đán

Ở Việt Nam, việc thờ bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh được nhiều bình diện cuộc sống, thể hiện được những quan niệm về vũ trụ - nhân sinh. Cùng tìm hiểu về tục gói bánh chưng vào dịp Tết dưới đây.
Ý nghĩa về tục gói bánh chưng ngày Tết Nguyên đán
Việc thờ bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh được nhiều bình diện cuộc sống.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, đã có nhiều truyền thống bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ cho tới bây giờ đó là tục gói bánh chưng vào ngày lễ tết. Đó là nét đẹp truyền thống không thể thiếu được vào mỗi dịp xuân về, mọi người cùng nhau bên nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy đoàn tụ.

 

Tục gói bánh Chưng đã tồn tại ở nước ta từ thời đại Vua Hùng, và là một trong những giá trị truyền thống trường tồn với thời gian, đi cùng năm tháng lịch sử của dân tộc. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc và gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, phong tục gói bánh Chưng dâng lên tổ tiên vẫn không hề mai một.

 

Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dầy”, Vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua sẽ được nhà vua nhường ngôi. 

 

Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Lang Liêu là người nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không thể tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, chàng đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh Chưng và bánh dầy tượng trưng cho trời và đất làm lễ vật dâng vua. 

 

Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng, và vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó bánh Chưng, bánh dầy đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên, để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với cha ông.

 

Trong những ngày Tết đến, xuân về, những hương vị và những vật phẩm đã trở thành quen thuộc trong dịp tết như: thịt mỡ, dưa hành, bày trí trong nhà một cành đào hay một cành mai, một bức câu đối được cắt làm đôi treo cân xứng hai bên xà nhà. Trên bàn thờ tổ tiên bày trí đủ các loại: mâm ngũ quả, kẹo bánh, mứt, rượu,... đặc biệt là bánh chưng. Tất cả đã tạo nên một không khí, không gian rất "Tết"!.

 

Bánh chưng sau khi đã thờ cúng tổ tiên xong, được dọn xuống để mọi người cùng thưởng thức. Hẳn chúng ta sẽ không ngớt lời tấm tắc rằng bánh chưng đúng là một trong những loại thức ăn vừa ngon, béo, thơm và trông thật mĩ quan! Nó đã tôn lên niềm tự hào về văn hóa ẩm thực của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. 

 

Nguồn Doanhnghiepvn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang