Thứ Sáu, 19/04/2024 08:41:17 GMT+7

Tin đăng lúc 10-03-2023

Lượt xem: 333

Yên Bái: Chuyện của thợ sửa điện “nóng”

Lâu nay, người dân nhiều địa phương trong tỉnh vẫn thấy những người công nhân điện lực lên đường dây sửa chữa nhưng tuyệt nhiên không thấy tình trạng cắt điện. Rồi người ta vẫn nói với nhau những cụm từ như: "sửa chữa điện nóng”, "sửa chữa điện sống”, "sửa điện mà không cắt điện”... mà ít người biết rằng, đây là một công việc khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm nữa.
Yên Bái: Chuyện của thợ sửa điện “nóng”
Những công nhân lành nghề của nghề sửa chữa điện "nóng”

Nhận được thông báo của đơn vị vận hành, một quả sứ bị hỏng tại vị trí cột 155, đường dây 473 - 112.1, Đội trưởng Lê Hải Hà triển khai lực lượng đến hiện trường khảo sát thực tế, lên phương án thi công rồi báo cáo lãnh đạo Công ty phê duyệt. Không lâu sau, mệnh lệnh chấp thuận của Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Vũ Duy Khương đã được phát ra.

 

Những người thợ sửa chữa điện "nóng” của Công ty Điện lực Yên Bái chính thức vào phiên làm việc. Đưa xe chuyên dụng đến vị trí, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, đặt các cột tiêu, biển báo..., chỉ huy lực lượng phân công người giám sát an toàn giao thông, người giám sát an toàn kỹ thuật, hai công nhân trong trang bị an toàn cùng các thiết bị và vật tư được xe nâng lên lưới. 

 

Nhanh gọn, chính xác, người thợ sửa chữa bọc tấm cách điện, tháo sứ hỏng, thay sứ mới, tất cả chỉ diễn ra trong vòng hơn một tiếng và điều đặc biệt là mọi khách hàng từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và người dân vẫn sử dụng điện bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Đó là phiên làm việc của Đội sửa chữa điện "nóng” (sửa điện nhưng không cắt điện) của Công ty Điện lực Yên Bái.

 

Lâu nay, người dân thành phố Yên Bái và nhiều huyện, thị vẫn thấy những người công nhân điện lực lên đường dây sửa chữa nhưng tuyệt nhiên không thấy tình trạng cắt điện. Rồi người ta vẫn nói với nhau những cụm từ như: "sửa chữa điện nóng”, "sửa chữa điện sống”, "sửa điện mà không cắt điện”... mà ít người biết rằng, đây là một công việc khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm nữa. Điều mang lại chính là hiệu quả kinh tế - xã hội, khi sửa chữa đường dây nhưng vẫn đảm bảo việc cấp điện bình thường, không gián đoạn dù đường dây đó có hiệu điện thế rất cao. 

 

Hệ thống chuyển tải điện gồm rất nhiều thiết bị khác nhau, làm việc không ngừng nghỉ, chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố như nắng mưa, nhiệt độ, ô xy hóa hoặc quá tải, chưa kể các tác động cơ học khác, chính vì vậy, qua thời gian, các thiết bị có thể hỏng hóc. 

 

Nhằm đảm bảo việc cấp điện một cách thường xuyên, an toàn và liên tục, bên cạnh việc đầu tư cải tạo, sửa chữa quy mô lớn, ngành điện phải sửa chữa nhỏ. Trước đây, dù sửa chữa lớn hay sửa chữa nhỏ đều phải thực hiện việc cắt điện để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công. 

 

Cắt điện là mất nguồn năng lượng quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sản xuất kinh doanh sẽ phải ngừng trệ. Trước tình hình đó, công nghệ sửa chữa điện "nóng” đã ra đời, đáp ứng yêu cầu sửa chữa điện nhưng không gián đoạn việc cấp điện. Cùng với các công ty điện lực trong cả nước, Điện lực Yên Bái triển khai ứng dụng công nghệ này và thực tiễn đã mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội to lớn.

 

Ông Cao Bình Định - Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái cho biết: "Thực hiện chủ trương của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Yên Bái đã tuyển lựa những công nhân lành nghề, gửi đi đào tạo, huấn luyện tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, tiếp nhận và mua sắm các trang thiết bị và thành lập Đội sửa chữa điện "nóng” trực thuộc Công ty”. 

 

Do tính chất đặc thù nên việc tuyển lựa đội ngũ công nhân làm nhiệm vụ sửa chữa điện "nóng” hết sức khắt khe; trước hết, người được tuyển lựa phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm lắp đặt, vận hành, sửa chữa điện trung thế không mang điện; đảm bảo sức khỏe tốt, chiều cao tối thiểu 165 cm, cân nặng nhỏ hơn 1/3 số đo chiều cao; có tính kỷ luật và tinh thần làm việc theo nhóm; đặc biệt là đức tính tỷ mỷ, cẩn trọng, nghiêm túc, có khả năng chịu đựng được cường độ làm việc cao, trong điều kiện nguy hiểm, tập trung cao độ... Trong thời gian đi đào tạo, huấn luyện phải vượt qua rất nhiều kỳ kiểm tra, sát hạch và được cấp chứng chỉ. 

 

Về phương tiện kỹ thuật, theo tính toán, gói thiết bị sửa chữa điện hotline lên đến cả chục tỷ đồng, bao gồm xe chuyên dụng, các phương tiện như: thảm cách điện, bọc cách điện..., các dụng cụ bảo hộ cá nhân như: găng tay, vai áo, mũ, giày... bằng chất liệu cách điện đặc biệt, phù hợp với cấp điện áp (cao nhất lên tới 22 KVA); riêng chiếc xe chuyên dụng do Hoa Kỳ chế tạo đã có mức giá rất cao, chưa kể vật tư, thiết bị phải được bảo quản trong kho lạnh và có hút ẩm.

 

Đội trưởng Lê Hải Hà cho biết: Trang thiết bị, phương tiện bảo hộ là rất cần thiết nhưng việc tuân thủ quy trình, ý thức trách nhiệm của người thợ luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải trong điều kiện ban ngày, trời tạnh, độ ẩm không khí dưới 80%, gió dưới cấp IV. 

 

Quá trình thao tác phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm an toàn điện và các quy trình đối với việc sửa chữa điện "nóng”; mọi sai sót dù là nhỏ nhất không được phép xảy ra. Trong suốt quá trình làm việc, tổ công tác luôn có một người làm công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, một công nhân có chức danh "người giám sát an toàn” thực hiện việc giám sát trong suốt quá trình thi công. Các bước thi công đều được ghi hình và gửi về các cấp có thẩm quyền giám sát và phê duyệt (chỉ khi nào phê duyệt bước này mới triển khai bước tiếp theo). 

 

Bằng nguồn lực đầu tư lớn và ý thức trách nhiệm, phấn đấu vươn lên của đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, năm 2022 vừa qua, Đội sửa chữa điện "nóng” Công ty Điện lực Yên Bái đã thực hiện 491 phiên sửa chữa, lắp đặt và đấu nối trên đường dây, 2 tháng đầu năm 2023, Đội đã thực hiện trên 100 phiên một cách an toàn và chính xác. 

 

Có lẽ, những con số 491 hay trên 100 kể trên chưa thể nói hết được ý nghĩa to lớn của việc sửa chữa điện "nóng” mang lại, nhưng chỉ một thí dụ như: Đội sửa chữa điện "nóng” thực hiện lắp đặt một bộ LBS (máy cắt) trên lưới 22 KVA, thời gian thao tác mất từ 6 đến 8 tiếng. Trong trường hợp sửa chữa lắp đặt thông thường (đường dây không mang điện), chắc chắn sẽ có hàng nghìn, hàng vạn khách hàng bị ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhiều cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, gián đoạn... thì mức độ thiệt hại khó có thể thống kê hết.

 

"Đây là công việc rất nguy hiểm, chúng tôi phải làm việc trên cao, tiếp xúc trực tiếp với dòng điện, chưa kể những nguy hiểm khác như an toàn giao thông (phần lớn việc đỗ xe dưới lòng đường, nhiều vị trí di chuyển đến rất khó)... Tuy vậy, chúng tôi vẫn đoàn kết tốt, hiệp đồng chặt chẽ, đôn đốc lẫn nhau chấp hành tốt quy trình an toàn, khắc phục khó khăn, vất vả để duy trì nguồn năng lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh”. 

 

Anh Lê Hải Hà, Đoàn Tô Hoài và tốp thợ sửa chữa điện "nóng” Công ty Điện lực Yên Bái nở những nụ cười tươi trên khuôn mặt rám nắng và nói với chúng tôi như vậy khi kết thúc một phiên làm việc.

 

PC Yên Bái

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang