Theo ông Nguyễn Văn Chí – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Thành phố Hà Nội, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; Đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định.
Hà Nội có nhiều lợi thế trong triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, 159 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hơn 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code. Đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.758 sản phẩm, trong đó: 06 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 1.255 sản phẩm 3 sao.
“Phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó góp phần tích cực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu” – ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Sản phẩm rau của HTX Dịch vụ nông nghiệp sinh thái Yên Thường đạt tiêu chuẩn OCOP góp phần xây dựng NTM kiểu mẫu trên quê hương Yên Thường, huyện Gia Lâm
Đến nay, Thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 8/8 chỉ tiêu theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. Xác định nây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, nhiều xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn đang nỗ lực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đưa nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống.
Ông Nguyễn Đức Thanh – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, năm 2024, huyện Thạch Thất có 33 sản phẩm, trong đó 26 sản phẩm đánh giá lần đầu, 07 sản phẩm đánh giá lại. Các sản phẩm gồm: Bánh chè lam, chè kho, bánh dầy, bánh chưng, kẹo lạc, bánh gio, cà nén, kẹo vừng, bánh cốm, rau, củ quả, tương ới, nước mắm, nấm, đồ gia dụng trang trí… trong đó xã Đại Đồng có 6 sản phẩm, Thạch Xá 05 sản phẩm, Hương Ngải 05 sản phẩm, Yên Bình 04 sản phẩm; 03 xã Lại Thượng, Cẩm Yên, Phùng Xá, mỗi xã 03 sản phẩm; Canh Nậu 02 sản phẩm và Tân Xã 01 sản phẩm.
Sản phẩm Thăng Long ruột đỏ của hộ gia đình anh Vương Văn Hải đạt tiêu chuẩn góp phần xây dựng NTM trên quê hương Lại Thượng, huyện Thạch Thất
Các chủ thể OCOP đã chú trọng chất lượng, nhãn mác; Chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm từ đó tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động. Năm 2024, huyện Thạch Thất có 02 xã, Đồng Trúc, Hạ Bằng đã được công nhận xã NTM kiểu mẫu. 02 xã Phùng Xá, Lại Thượng xây dựng NTM nâng cao. Vừa qua, huyện Thạch Thất đã thẩm định, 02 xã đạt đủ điều kiện trình thành phố thẩm định. Trên địa bàn 02 xã đều có sản phẩm OCOP được công nhận đtạ 3 sao, đạt tiêu chí 13.2 trong Tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng kinh tế huyện Quốc Oai, năm 2024, huyện Quốc Oai có thêm 41 sản phẩm OCOP 3 sao, đều là sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng gắn liền với truyền thống, văn hóa, trí tuệ và bản sắc của địa phương; Các sản phẩm từ quy mô sản xuất nhỏ đến quy mô sản xuất trung bình đều đã khẳng định được thương hiệu, vị trí đối với người dân trong và ngoài huyện. Đến nay, sau gần 05 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Quốc Oai đã có 176 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao.
Nói về ý nghĩa của Chương trình mỗi xã một sản phẩm đối với mục tiêu xây dựng NTM, bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định: Chương trìnhOCOP được xem là giải pháp để giải quyết bài toán nâng cao giá trị cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu ở các địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân theo Chương trình MTQG xây dựng NTM. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hưng – Đỗ Trung Kiên phấn khởi khi HTX đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM kiểu mẫu của xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai
Trao đổi với ông Đỗ Văn Kiên – Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) được biết, xã Tam Hưng đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2024, xã tập trung về địch NTM kiểu mẫu. Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của địa phương, HTX nông nghiệp Tam Hưng đã nỗ lực góp phần thực hiện 02 tiêu chí: Thủy lợi và Phòng chống thiên tai; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, HTX có 02 sản phẩm được thành phố công nhận đạt OCOP 4 sao: Gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7.
Hiện nay, HTX đang duy trì 400 ha trồng lúa Bắc thơm số 7 và 250 ha lúa Nếp cái hoa vàng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã liên kết với với Viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung Ương, Công ty Cổ phần gạo Bảo Minh trong việc cung ứng giống, chuyển giao công nghệ gieo trồng và ký kết với một số công ty để tiêu thụ ổn định sản phẩm cho nông dân, đảm bảo sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy. Sản phẩm được cung cấp ổn định cho các bếp ăn tập thể và các nhà trẻ trên địa bàn Hà Nội.
Qua thực tế triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại nhiều xã trên địa bàn nhiều quận, huyện của Thành phố Hà Nội nhận thấy, phát triển sản phẩm OCOP đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất của người dân, các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các chủ thể đều nhận thấy ý nghĩa vai trò phát triển sản phẩm đối với hoạt động của đơn vị mình nói riêng, với phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của địa phương nói chung. Từ đó tạo nên khí thế thi đua sản xuất và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển giàu đẹp.
Đức Tín
Bài viết có sự phối hợp thông tin của Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội