Luật Quản lý thuế 2019
Luật gồm 17 chương và 152 điều luật, trong đó gồm một số nội dung cần lưu ý:
– Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
– Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế (hiện hành là 10 ngày làm việc).
– Trường hợp cấp lại do bị mất, rách, nát, cháy thì trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (hiện hành là 5 ngày làm việc).
– Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
– Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử.
– Thêm trường hợp được gia hạn nộp thuế.
Luật Kiến trúc 2019
Quy định về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:
– Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc.
– Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.
Trường hợp cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc sẽ được miễn điều kiện này.
– Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Trường hợp cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện này.
Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2019, gồm 10 chương với 135 điều đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước gồm các nội dung chính: Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quy định việc truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; bổ sung quy định kiểm toán nhà nước xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định kiểm soát chất lượng kiểm toán; quy định trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo; về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 17 điều, bổ sung 3 điều. Luật nhằm luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.
Theo đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung như quy định việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và bổ sung một số quy định; quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng một số điều kiện; quy định 4 trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài, luật sư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước 30 ngày…
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019
Luật gồm 8 chương với 52 điều. Luật được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đẩy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Từ ngày 1/7/2020, nhiều loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử: Luật quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người được cấp. Được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Các loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử bao gồm:
– Hộ chiếu ngoại giao.
– Hộ chiếu công vụ.
– Hộ chiếu phổ thông.
Luật Thư viện 2019
Luật Thư viện được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam; khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật có 6 chương với 52 điều. Luật quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.
Luật Thư viện 2019 đã mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, cụ thể: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định.
– Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện.
– Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện.
– Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện.
– Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. (Theo quy định hiện hành, chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Luật đã sửa đổi, bổ sung 5/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…; sửa đổi, bổ sung 38/143 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; cụ thể:
– Không còn khái niệm họp bất thường trong hoạt động của Chính phủ, HĐND và UBND mà thay vào đó sẽ là họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.
– Bổ sung thêm 1 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
– Số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II sẽ có không quá 2 người, đã được tăng thêm 1 người so với quy định hiện hành.
– Tổng số đại biểu HĐND TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh được bầu là 95 đại biểu (hiện nay là 105 đại biểu).
Ngoài ra, Luật mới còn quy định điều chỉnh giảm số lượng đại biểu HĐND và thay đổi số lượng thành viên thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã.
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2019.
Luật đã tiến hành sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức liên quan đến chính sách, đãi ngộ, tuyển dụng công chức; ngạch công chức; xếp loại cán bộ, công chức;… và sửa đổi, bổ sung 15/62 điều của Luật Viên chức liên quan đến đánh giá viên chức; ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức, cụ thể:
– Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ được áp dụng với 03 đối tượng sau:
+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020.
+ Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật viên chức 2010.
+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, thời hạn của hợp đồng làm việc xác định thời hạn cũng được kéo dài đến 60 tháng (hiện nay tối đa chỉ đến 36 tháng).
– Bổ sung thêm 02 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển:
+ Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.
+ Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
– Hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 gồm 5 chương, 28 điều luật, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2018. Gồm những nội dung chủ yếu sau:
– Quy định rõ phạm vi thông tin bí mật nhà nước (BMNN) thuộc từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ như:
+ Thông tin về giáo dục và đào tạo có đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia.
+ Thông tin về y tế, dân số có thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số.
– Quy định thời hạn bảo vệ BMNN là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của BMNN đến hết thời hạn sau đây:
+ 30 năm đối với BMNN độ Tuyệt mật.
+ 20 năm đối với BMNN độ Tối mật.
+ 10 năm đối với BMNN độ Mật.
– Các trường hợp BMNN được giải mật toàn bộ hoặc một phần gồm có:
+ Hết thời hạn bảo vệ BMNN quy định tại Điều 19 và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 của Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018.
+ Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế – xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế.
+ Không còn thuộc danh mục BMNN.
Luật Dân quân tự vệ 2019
Luật gồm 8 chương và 50 điều, Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ. Luật đã thể chế hóa đường lối, quan điểm mới của Đảng liên quan đến dân quân tự vệ, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
– Về thành phần của dân quân tự vệ:
+ Không còn phân chia dân quân tự vệ thành dân quân tự vệ nòng cốt và dân quân tự vệ rộng rãi như Luật dân quân tự vệ 2009.
+ Bổ sung thêm trong thành phần có dân quân tự vệ thường trực và dân quân tự vệ biển.
– Thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, đơn cử như:
+ Nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
+ Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
+ Người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019
Luật được xây dựng nhằm luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia. Các nội dung sửa đổi của Luật liên quan đến quy định việc cấp thị thực điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; ký hiệu và thời hạn của thị thực.
– Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ 4 trường hợp sau:
+ Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định.
+ Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh.
+ Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động (GPLĐ) hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định.
+ Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có GPLĐ hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định. – Sửa đổi, bổ sung thêm các ký hiệu thị thực như: LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4, DN1, DN2, LĐ1, LĐ2 (hiện hành chỉ có các ký hiệu là ĐT, DN, LĐ).
– Luật hóa quy định về thị thực điện tử:
+ Ký hiệu EV, có giá trị một lần và có thời hạn không quá 30 ngày.
+ Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh phải đủ các điều kiện theo quy định và phải nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.
Luật Lực lượng dự bị động viên 2019
– Quy định 4 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên bao gồm:
+ Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ.
+ Khi thi hành lệnh thiết quân luật.
+ Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
+ Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
– Quy định về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên:
+ Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên.
+ Đơn vị dự bị động viên phải duy trì quân số quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15% và dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.
Theo Enternews