Thứ Sáu, 22/11/2024 17:26:40 GMT+7
Lượt xem: 3750

Tin đăng lúc 14-09-2015

20 ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
20 ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển
Ảnh minh họa

Theo đó, vốn này được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được thuộc 20 ngành, lĩnh vực gồm: 1- Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản; 2- Công nghiệp; 3- Thương mại; 4- Giao thông; 5- Cấp nước, thoát nước và xử lý rác thải, nước thải; 6- Kho tàng; 7- Văn hóa; 8- Thể thao; 9- Du lịch; 10- Khoa học, công nghệ; 11- Thông tin; 12- Truyền thông; 13- Công nghệ thông tin; 14- Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; 15- Y tế, dân số và vệ sinh an toàn thực phẩm; 16- Xã hội; 17- Tài nguyên và môi trường; 18- Quản lý nhà nước; 19- Quốc phòng, an ninh; 20- Dự trữ quốc gia.

 

Ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo

 

Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

 

Ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước.

 

Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các cấp, các ngành.

 

5 tiêu chí phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương

 

Quyết định nêu rõ, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối (không bao gồm đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết) cho các địa phương gồm 5 nhóm: 
 

1- Dân số (số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số của các địa phương). 
 

2-  Trình độ phát triển (tỷ lệ hộ nghèo, số thu nội địa (không bao gồm số thu sử dụng đất) và tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương).
 

3- Diện tích (diện tích đất tự nhiên của các địa phương và tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên).
 

4-  Đơn vị hành chính cấp huyện (gồm số đơn vị hành chính cấp huyện; số huyện miền núi; vùng cao, hải đảo; biên giới đất liền của từng địa phương).
 

5-  Các tiêu chí bổ sung (tiêu chí xã ATK thuộc vùng căn cứ kháng chiến (ATK lịch sử); tiêu chí các xã biên giới đất liền, gồm: các xã biên giới Việt Nam - Trung Quốc, các xã biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia).

 

Từng tiêu chí được tính theo điểm. Căn cứ vào các tiêu chí trên để tính ra số điểm của từng tỉnh, thành phố và tổng số điểm của 63 tỉnh, thành phố làm căn cứ để phân bổ vốn đầu tư trong cân đối.

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang