Thứ Sáu, 22/11/2024 18:43:03 GMT+7
Lượt xem: 2658

Tin đăng lúc 13-04-2016

2016 – Năm của doanh nghiệp dịch vụ

Báo cáo doanh nghiệp (DN) thường niên do Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (VCCI) khẳng định, với hàng loạt FTA được thực thi, các DN dịch vụ và DN cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2016.
2016 – Năm của doanh nghiệp dịch vụ

Theo TS Phạm thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI, niên giám Thống kê năm 2014 cho thấy số lượng các DN dịch vụ tăng lên đáng kể từ 94.206 đến 300.768 trong giai đoạn 2007-2015, chiếm 68,35% tổng số các DN đang hoạt động tại VN. Trong tổng số hơn 52,7 triệu lao động trong nền kinh tế, khu vực dịch vụ có khoảng 17,1 triệu, chiếm 32,43% tổng số việc làm. Điều này phần nào cho thấy sự phổ biến và gia tăng tầm quan trọng của DN dịch vụ đối với nền kinh tế VN.

 

Công cụ hữu dụng cho DN

 

Mặc dù còn khá mới mẻ nhưng các DN dịch vụ và chuyên môn là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại VN. Với tác động làm giảm chi phí; tăng khả năng cạnh tranh, dịch vụ phát triển kinh doanh (DVPTKD) được coi là công cụ hữu dụng cho các DN, đặc biệt đối với SME. Theo báo cáo, nhìn chung, nhu cầu DVPTKD ngày càng tăng. Tuy nhiên thách thức lớn nhất thực chất vẫn là vấn đề nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thay vì tự thực hiện.

 

Bên cạnh vấn đề nhận thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến các DN chưa mặn mà. Kết quả là vẫn còn tỷ lệ lớn các DN không biết hoặc biết nhưng không sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cơ bản nhất cho sự phát triển của DN, nhất là đối với các dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật hoặc nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận. Theo TS Lương Minh Huân – Viện nghiên cứu và phát triển DN, với việc VN đã ký kết nhiều hiệp định FTA với các đối tác, thì hàng rào thuế quan sẽ dần được thay thế bằng các hàng rào kỹ thuật, do vậy, việc các DN VN vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc sử dụng dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật cho các sản phẩm sẽ khiến các sản phẩm của VN khó có thể vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của nước khác.

 

Chính vì vậy, theo TS Huân, bên cạnh việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các SME, phát triển ngành dịch vụ hiện đại mạnh mẽ ở VN là rất quan trọng để cải thiện sự kết nối. Đây là một lĩnh vực mà VN bị tụt hậu so với các nước đối thủ cạnh tranh. Các dịch vụ hiện đại như tài chính, bảo hiểm, viễn thông, vận tải và hậu cần, là những đầu vào quan trọng cho sản xuất hàng xuất khẩu.

 

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI:

 

Tiếp theo chuỗi các Báo cáo thường niên DN Việt Nam được xuất bản hàng năm bắt đầu từ năm 2006, VCCI tiếp tục xây dựng “ Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2015" với chủ đề Dịch vụ phát triển kinh doanh. Báo cáo đã cho thấy, những vấn đề cố hữu của khu vực DN vẫn chưa được giải quyết: năng suất lao động thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, công nghệ còn lạc hậu, thiếu vắng lực lượng DN có quy mô đủ lớn để hội nhập. Lĩnh vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao trong những năm qua, trong đó dịch vụ phát triển kinh doanh phục vụ chủ yếu cho các DN đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế hiện đại.

 

Bằng việc đưa ra bức tranh toàn cảnh về phát triển DN Việt Nam năm 2015 với những khuyến nghị chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ phát triển kinh doanh, chúng tôi tin tưởng rằng, Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 sẽ là một công cụ hữu ích cho sự phát triển chung của cộng đồng DN và nền kinh tế Việt Nam.

 

“Kết nối” từ thể chế

 

VN đạt kết quả tương đối tốt về Chỉ số hiệu suất về hậu cần của Ngân hàng Thế giới (LPI), xếp thứ 48 trong số 160 quốc gia. Tuy vậy, VN vẫn đang có hàng trăm quy định phi hải quan phức tạp cấp phép cho các hoạt động thương mại qua biên giới do một số cơ quan quản lý nhà nước cấp phép và quản lý. Hơn nữa, mặc dù có những tiến bộ gần đây trong cải cách hải quan nhưng chi phí tuân thủ về thời gian và tiền bạc để giải phóng hàng vẫn còn cao ở VN.

 

Vì vậy, theo bà Hằng, trong quá trình phát triển, đặc biệt ở các thị trường mới nổi như ở VN, việc phát triển thị trường DVPTKD đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Đơn cử như lĩnh vực kiểm toán, kế toán. Với trên 500.000 DN đang hoạt động và hơn 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, cùng với tiến trình tái cơ cấu DN, cổ phần hoá các DN Nhà nước, VN là thị trường rất tiềm năng đối với dịch vụ kế toán, kiểm toán…

 

Tuy vậy, Nhà nước cần có trong tay cơ sở hạ tầng cứng và mềm trong một tương quan nhất định. Những yếu kém kéo dài về cơ sở hạ tầng kết nối của VN là lý do tại sao các DN Việt phải đối mặt với chi phí hậu cần tương đối cao hiện nay – khoảng 21% GDP, so với khoảng 15% ở Thái Lan và 19% ở Trung Quốc.

 

Nhưng điều quan trọng nhất của sự kết nối đó chính là con người thông qua việc cung cấp dịch vụ, giáo dục và du lịch. Tuy vậy, để kết nối con người trong điều kiện gần 50% lực lượng lao động VN vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp không phải là điều dễ dàng. Trước tiên, người lao động phải học hỏi, cập nhật kỹ năng mới, sau nữa, nhà nước cũng cần tạo điều kiện để người lao động… đổi mới.

 

Dịch vụ mà các DN sử dụng nhiều nhất là dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế (65%), tiếp đến là dịch vụ liên quan đến pháp lý (49%), quảng cáo (46,2%). Trong khi đó, chỉ có 23,3% DN đã từng ít nhiều sử dụng dịch vụ nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận, 30,1% DN từng sử dụng dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật.

 

Khuyến nghị từ thực tế

 

Trong những năm gần đây, Chính phủ VN cũng đã quan tâm và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các DN hoạt động với hàng loạt các Luật mới như Luật DN, Luật Đầu tư… nhằm đảm bảo lợi ích cho các DN. Tuy vậy, khung pháp lý để phát triển DVPTKD chưa được quan tâm một cách đúng mức. Nhiều sửa đổi chưa thực sự có tác động đến thị trường, trong đó phần lớn các quy định thường đề cập đến đối tượng là DN – người mua chứ chưa thực sự thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp, các DN DVPTKD.

 

Vì vậy, theo bà Hằng, Nhà nước cần tăng cường cần thúc đẩy và phát triển các dịch vụ để tạo thuận lợi thương mại, tăng cường sự kết nối: về vật lý, về thể chế và về con người để tạo điều kiện cho các DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, trong từng giai đoạn tham gia vào chuỗi này thì mức độ sử dụng dịch vụ sẽ ngày một mở rộng. Càng hội nhập sâu thì mức độ sử dụng dịch vụ càng phải nhiều hơn và chất lượng cao hơn.

 

Đặc biệt, cần tăng cường các biện pháp, chính sách trợ giúp nhất là trong khuôn khổ dự thảo Luật hỗ trợ SME được ban hành trong thời gian tới.

 

Thứ nhất, thay đổi cách tiếp cận về phát triển thị trường thông qua việc phát triển các dịch vụ “theo nhu cầu cụ thể” của DN và nhân rộng mô hình để đặt đến một thị trường có quy mô lớn.

 

Thứ hai, cần lựa chọn DVPTKD theo chiến lược ngành giúp các nhóm cụ thể của DN tiếp cận thị trường sản phẩm hay dịch vụ cụ thể. Chẳng hạn như: dịch vụ liên kết thị trường; phát triển sản phẩm, công nghệ, hoặc cung cấp đầu vào.

 

Thứ ba, Nhà nước cần tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động nghiên cứu thị trường, đặc biệt là các nghiên cứu thị trường do các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thực hiện.

 

Thứ tư, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, kiểm soát vấn nạng hàng nhái, hàng giả… Đổng thời với việc này là phải nâng cao nhận thức cho các SME về việc phát triển thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ…

 

Theo bà Hằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các DN cũng cần tăng cường tìm hiểu về các DVPTKD và sử dụng thử là cách tiếp cận cần thiết. Đối với nhà cung cấp DVPTKD cần vận dụng các kiến thức marketing căn bản để đưa dịch vụ của mình tới các DN. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là các DN dịch vụ cần tự nâng cao chất lượng dịch vụ để từ đó không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.

 

Theo Hồ Hường(Báo diễn đàn Doanh nghiệp)

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang