Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,45 tỷ USD. Tuy nhiên, trong khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019, thì kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm hàng nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản lại giảm lần lượt là 5,4% và 15,4%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm trong 4 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc- thị trường xuất khẩu nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở các mặt hàng chủ lực như: kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 10,1%; giày dép các loại tăng 1,3%... Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc giảm 5,8%; sắt thép các loại giảm 4,7%...
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,25 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 13,125 tỷ USD, tăng 26,7%. Thị trường EU đạt 10,75 tỷ USD, giảm 8,1%. Thị trường ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, giảm 3,2%. Nhật Bản đạt 6,74 tỷ USD, tăng 10,1%.
Cũng trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 33,58 tỷ USD, tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI ước đạt 46,32 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, tính chung 4 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 3,04 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư đạt 983 triệu USD của 4 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,17 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 7,13 tỷ USD.
Sở dĩ xuất siêu trong 4 tháng tăng cao là do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng Ba, trong đó, Công ty Samsung gần như đã hoàn thành xuất khẩu sản phẩm điện thoại phiên bản mới.
Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm 2020
Theo các chuyên gia, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
Hiện nay, nhiều nền kinh tế đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Đa phần các nước đều tăng cường chi tiêu tài khoá để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ban ngành cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19.
Đáng chú ý, ngày 24/4/2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra, cá basa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, mức thuế cuối cùng áp cho các doanh nghiệp đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với DOC là 0,15 USD/kg (tương ứng khoảng 3,8% giá xuất khẩu), giảm đáng kể so với đợt trước (POR14) là 1,37 USD/kg. Các doanh nghiệp không hợp tác sẽ nhận mức thuế 2,39 USD/kg, giữ nguyên so với POR14.
Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%. Mức thuế chống bán phá giá cho cá tra sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang một số thị trường cũng có dấu hiệu tăng trưởng khả quan. Đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ tác động đến ngành nuôi cá trong nước.
Bộ Công Thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm, Bộ này tiếp tục khẩn trương cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.
Tận dụng triệt để các FTA đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đưa vào thực thi và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp được phê chuẩn và có hiệu lực (dự kiến trong năm 2020) để thúc đẩy xuất khẩu.
Đẩy mạnh đơn giản hóa và điện tử hóa các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; áp dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường mạng.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh việc triển khai hệ thống trao đổi dữ liệu C/O điện tử trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm giúp giảm chi phí đi lại, giao dịch và tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hai bên trong quá trình giao thương, tận dụng các lợi ích của VKFTA; đẩy nhanh việc triển khai điều khoản cộng gộp nguyên liệu vải có xuất xứ từ Hàn Quốc với Việt Nam trong Hiệp định EVFTA để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi ích này ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo VietQ