Bên cạnh đó có hơn 47% doanh nghiệp hoạt động ổn định, tỷ lệ doanh nghiệp xấu đi chỉ chiếm hơn 13%. Trong đó có trên 50% doanh nghiệp tăng doanh thu, tăng lợi nhuận; các doanh nghiệp trên lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu, xây dựng và bất động sản hoạt động rất hiệu quả, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hoạt động ổn định, riêng các doanh nghiệp thủy sản do thiếu nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng nhưng đầu ra không tăng, do vậy hoạt động kém hiệu quả.
Ông Huy Nam, chuyên gia kinh tế dự báo năm 2018 cơ hội kinh doanh sẽ tốt hơn.
Theo dự báo của Chuyên gia kinh tế Huy Nam: Môi trường kinh doanh 2018 sẽ thuận lợi hơn. Khi CPTPP có hiệu lực thì thị trường xuất khẩu sẽ rộng mở hơn. Tất nhiên, điều đó cũng đi kèm nhiều thách thức đặt ra với việc truy suất nguồn gốc khi nhập nguyên phụ liệu; thủy sản có cơ hội về thị trường nhưng phải chú trọng đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi, ngủ cốc... sẽ tràn vào, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp trong nước cũng nên chuẩn bị để cạnh tranh. "Để nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL phất lên thì phải thay đổi mạnh mẽ vì chúng ta vẫn còn sản xuất quá thủ công, chi phí cao, công nghệ kém, quy mô nhỏ, mỗi người có một mâm nhỏ thì rất khó phát triển", ông Nam nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng hội nhập sâu rộng sẽ thúc đẩy cải cách thể chế tốt hơn.
Nhận định về môi trường kinh doanh hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết trước đây các doanh nghiệp có tâm lý cho rằng doanh nghiệp càng to thì càng rủi ro vì doanh nghiệp lớn thường xuyên bị kiểm tra, thanh tra, đó cũng là một trong những lý do doanh nghiệp không chịu lớn. Lý giải phản ánh này của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cho rằng doanh nghiệp lớn thì phải làm nhiều, mà làm nhiều thì sai nhiều nên phải thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm nỗ lực cải cách, đến nay môi trường đầu tư, kinh doanh đã có nhiều cải thiện, đặc biệt là chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết 19, 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp...
Bình luận về Hiệp định CPTPP vừa được ký kết, ông Đậu Anh Tuấn cho biết ước tính thận trọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 1,1% (so với 0,4% của RCEP và 3,6% của TPP- 12). Xuất khẩu tăng 4,2%, nhập khẩu tăng 5,3%, mức tăng trưởng cao nhất dự kiến thuộc về ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, da giày... Tuy nhiên, chi phí kinh doanh và logistics tăng, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính còn phiền hà, sự thua kém của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, vấn đề môi trường là những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ nhận định năm 2018 sẽ có nhiều thách thức đối với nền kinh tế.
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ cho rằng: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước nhưng đồng thời áp lực cạnh tranh sẽ cũng sẽ đè nặng trên vai doanh nghiệp.
Theo cam kết Cộng đồng kinh tế châu Á (AEC), năm 2018 hầu hết các dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ cộng đồng AEC về 0%. Đồng thời, khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam phải chấp nhận cam kết bị đối xử là nước có nền kinh tế phi thị trường cho đến năm 2018, nhưng điều này không có nghĩa mặc nhiên sau năm 2018 Việt Nam sẽ được coi là nước có nền kinh tế thị trường mà phải khẳng định được rằng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Do vậy, có thể nói năm 2018 là thời điểm rất quan trọng và nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trên bước đường hội nhập.
Nhân dip này, VCCI Cần Thơ cũng đã trao 25 kỷ niệm chương cho hội viên tiêu biểu và trao chứng nhận hội viên mới cho 11 doanh nghiệp, nâng tổng số hội viên lên gần 900 doanh nghiệp.
VCCI Cần Thơ phát triển 11 hội viên mới
Nguồn Enternews.vn