Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) sẽ cung cấp cho bạn đọc những bài thuốc dễ kiếm dễ làm để có thể vừa giải nhiệt vừa giảm béo hiệu quả vào mùa hè nóng bức.
1. Bí đao (bí xanh, vị thuốc là đông qua)
Bí đao có 2 loại là bí đao phấn (quả to, ruột to, phấn bên ngoài) và bí đao đá (quả nhỏ hơn, ruột ít, không phấn phủ bên ngoài). Bí đao thường được dùng để chữa bệnh là vỏ và hạt. Bí đao chứa nhiều nước, chất xơ, lipid. 100g bí đao thì 0,4g protein D, 2,4mg gluxit D, 19mg canxi, 20mg photphat, 0,5mg sắt, vitamin A, B1, B3, B9, vitamin E, C, khoáng chất như kali, phốt pho, magiê.
“Bí đao có tác dụng thanh nhiệt, mát ruột, giúp da đẹp hơn, giảm béo, lợi sữa, lợi tiểu, chữa được các bệnh hen suyễn, ho gà, u nhọt, ung thư, ung thư vòm họng, lợi tiểu tiện”, lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.
Bí đao có tính vị ngọt nhạt, tính lạnh, vào các kinh tì, vị, đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, giải nhiệt, tiêu tan đờm dãi, mát ruột, hết khát, giải độc, giảm béo.
“Bí đao giúp giảm cân vì ít năng lượng, làm bụng nhanh no vì chứa nhiều nước, không có chất béo, chứa hytarin kaperin, ngăn chặn đường chuyển hóa vào mỡ trong cơ thể. Vì thế, cơ thể không thể tích lũy mỡ thừa nên giảm béo rất tốt”, lương y khẳng định.
Thịt quả chứa nhiều chất xơ, rất có lợi cho ruột, đường tiêu hóa. Vitamin A, C, E, B9, khoáng chất như kali, phốt pho, magiê giúp làm đẹp cơ thể, loại bỏ mỡ bụng.
Ngoài ra, loại quả này có thể được nấu thành cao để dưỡng da, giúp da căng mịn, trắng hồng. Chúng cũng chữa được nhiều bệnh khác như xơ cứng động mạch, tiểu đường, phụ nữ ít sữa,viêm phổi, ho gà, viêm phế quản, manh tràng, viêm đại tràng.
Cách thực hiện: Nấu canh bí xanh hoặc luộc bí xanh ăn hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể uống nước bí đao xay sinh tố hoặc nước ép.
Lưu ý: Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo không nên lạm dụng uống bí đao sống, ăn sống bí đao vì trong đó có tính xà phòng, tính tẩy cao, nếu lạm dụng sẽ gây hại đường ruột.
2. Đu đủ
Theo lương y Bùi Hồng Minh, đu đủ, đặc biệt là đu đủ xanh cũng như các bộ phận của cây đu đủ như thân, lá, rễ đều chứa một chất nhựa latex. Trong nhựa đu đủ có chứa papain, cao su, axit amin, lecsin, tyrosin, chất béo, axit malic, men thủy phân, chất mỡ. Chất men papain có tác dụng làm tiêu hóa các chất thịt protit, giải phóng các axit amin như glucoza, alamin, tryptophan…
Theo lương y, đu đủ xanh giúp giảm cân, giải nhiệt mùa hè rất hiệu quả. Muốn hầm xương nhanh nhừ và đỡ ngán thì đu đủ xanh là nguyên liệu không thể thiếu. Ăn thường xuyên đu đủ bất kể là dạng chín hay xanh sẽ giúp bạn tiêu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiện, thanh nhiệt, giải độc cơ thể.
Cách thực hiện: Luộc đu đủ ăn mỗi ngày. Với đu đủ chín, bạn cũng có thể làm sinh tố uống hàng ngày vừa giúp bạn giảm cân vừa giúp làn da đẹp, căng mọng.
Lưu ý: Những người bị đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua cần hạn chế, thận trọng dùng vì đu đủ có chất nhựa, kích thích mạnh dạ dày.
3. Mồng tơi
Trong Đông y, mồng tơi có tính hàn, vị chua, không độc, vào 5 kinh tam, tì, can, đại trường và tiểu tràng, giúp tán nhiệt, lợi tiểu, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt nhưng gây mất máu.
“Trong mồng tơi có chứa chất nhầy pectin giúp chữa trị và phòng ngừa một số bệnh, đặc biệt giúp nhuận tràng, giảm béo, chữa béo phì, trừ thấp nhiệt, rất tốt cho những người bị mỡ máu, đường huyết cao”, lương y Bùi Hồng Minh cho hay.
Cụ thể, chất nhầy pectin trong mồng tơi giúp hấp thu cholesterol, khóa hoạt tính thành bấm ở màng ruột, khiến cholesterol không thể ngấm qua vào máu mà theo đường đại tiện ra bên ngoài, từ đó giúp giảm cân. Với người bị say nắng, bạn có thể giã đắp vào trán sẽ giúp giảm nhiệt.
Mồng tơi rất lợi tiểu, có thể điều trị tiểu khó. Bạn có thể giã nhuyễn mồng tơi, lấy nước cốt, hòa chút muối, cho nước sôi để nguội vào hòa tan rồi uống, do đó mồng tơi có tác dụng giải độc rất tốt. Ngoài ra, nhờ tính thanh nhiệt, loại rau này cũng có thể chữa bỏng bằng cách giã nát, sau đó đắp, bôi lên chỗ bị bỏng. Có thể nói, mồng tơi có vô vàn các tác dụng chữa bệnh nhưng lợi ích chính là thanh nhiệt, giải độc, giảm cân, giảm mỡ máu.
Cách thực hiện: Mồng tơi dễ trồng, lành tính lại rất dễ thực hiện. Bạn chỉ cần hái lá về nấu canh hoặc luộc ăn đều có tác dụng giảm cân, thanh nhiệt rất tốt.
Lưu ý: Do rau mồng tơi có chứa nhiều chất dinh dưỡng (1/2 chén rau mồng tơi sau khi nấu chín cung cấp 190% lượng vitamin A, 20% Fe) nên bạn nên ăn vừa phải, không nên ăn nhiều. Khi hấp thụ quá nhiều, mồng tơi có thể gây ra những tác dụng phụ như: hấp thụ kém dẫn đến đầy hơi vì chứa hàm lượng axit oxalic cao, khi liên kết với canxi, sắt có thể gây khó hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Ăn quá nhiều rau mồng tơi cũng có thể khiến bạn bị sỏi thận, gút vì axit oxalic quá nhiều làm tăng nồng độ canxi oxalat trong nước tiểu, biến đổi thành axit uric. Chưa hết, ăn nhiều rau mồng tơi còn tạo các mảng bám vào răng, gây cáu bẩn răng vì chất này không hòa tan trong nước, răng bị đen, ố vàng. Đặc biệt, ăn quá nhiều sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu trong dạ dày, đầy hơi, khó tiêu, chuột rút vì mồng tơi có hàm lượng chất xơ cao. Nếu bạn muốn giải nhiệt, giảm cân bằng mồng tơi nhưng lại bị thận, gút thì tốt nhất nên tìm loại thực phẩm khác.
4. Mướp đắng (khổ qua)
Mướp đắng (khổ qua) còn có những tên gọi khác như cẩm lệ chi, lại bồ đào, hồng cô nương, lương qua, mướp mủ… Thành phần hóa học chính là glucozit đắng, vitamin B1, C, adenine, betanin, protein, hạt quả có chứa chất dầu, có thể chữa đinh râu, mụn nhọt.
Mướp đắng có vị đắng, tính lạnh, vào các kinh tì, vị, tâm, can, giúp thanh giải trừ nhiệt, chữa sốt nóng, mất nước, hội chứng lị, viêm cấp tính, mụn nhọt, viêm đường tiết niệu, viêm kết mạc mắt cấp tính.
Theo Tây y, mướp đắng diệt vi khuẩn virus, chống lại tế bào ung thư, là hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư khi chiếu tia xạ. Mướp đắng có rất nhiều vitamin C, cao hơn cả dâu tây và chanh. Loại quả này còn có tác dụng giảm huyết áp, sáng mắt, có vị đắng giúp ức chế, điều nhiệt trong cơ thể, đặc biệt có lợi cho gan, mật, mát máu, thanh giải nhiệt, chữa viêm gan, vàng da.
Cách thực hiện:
- Trẻ nhỏ bị nóng, nổi rôm sảy: Lấy 2-3 quả, đun nước tắm cho trẻ, đặc biệt hiệu quả với trẻ sơ sinh.
- Chữa ho do nóng: 2 quả mướp đắng nấu kỹ, cho thêm đường hoặc mật ong, uống 2-3 lần mỗi ngày.
- Giảm béo: Mướp đắng xào trứng, đậu phụ, nấm hương, thịt nạc, thịt gà, mộc nhĩ… đều có tác dụng giảm béo rất tốt.
Lưu ý: Ăn quá nhiều mướp đắng dẫn đến tăng men gan, dẫn đến thay đổi tế bào gan vì trong mướp đắng có chất độc vicine gây nên hiện tượng đau đầu, đau bụng, ói mửa, hôn mê. Ăn mướp đắng được trồng ở môi trường đất có kim loại nặng gây yếu gan. Loại quả này cũng không có lợi cho sự phát triển của trẻ vì cơ thể trẻ thải độc kém mà trong mướp đắng lại có độc. Mướp đắng làm hạn chế khả năng thụ thai, gây thiếu máu, tán huyết.
5. Đậu ván trắng
Đậu ván trắng hay còn gọi là bạch biển đậu, bạch đậu, biển đậu, có vị ngọt mát, vào kinh tì và vị, giúp giải cảm, lợi tiểu, giải độc, trừ tả, trừ phiền khát. Hạt đậu ván trắng chứa protein, lipit, gluxit, các axit amin: tryptophan, arginin, tyrosin, men tyrosinasa, các vitamin A, B1, B2, C, axit cyanhydric, muối vô cơ Ca, P, Fe
Cách thực hiện:
- Chữa trừ thấp, say nắng (cảm nắng mùa hè): Bạch biển đậu 16g, hoắc hương 8g sắc uống; Hoặc bạch biển đậu 12g, hoắc hương 12g, hậu phác 8g, cam thảo 4g sắc uống.
- Giải độc, hòa trung: Bạch biển đậu 20g, tán hạ 8g, sinh khương 20g, bạch mao căn 30g, nhân sâm 8g, tì bà diệp 8g, bạch truật 8g sao lên, tán thành bột, mỗi lần uống 4g.
Nguồn: Trí thức Trẻ