Bún chả cá
Chả cá được chế biến bằng hai phương thức hấp và chiên. Một tô bún chả cá ngon lành gồm chả cá, su hào, bí đỏ, măng tươi, cà chua, hành tím ngâm và tí ruốc để tăng mùi vị hấp dẫn. Quán bún chả cá tập trung nhiều trên đường Nguyễn Chí Thanh và đường Lê Hồng Phong (Q. Hải Châu).
Bún chả cá trứ danh Đà Nẵng sẽ lôi cuốn các bạn ngay khi thưởng thức bởi vị ngọt thơm, hơi chua nhẹ của nước dùng, miếng cá nóng hổi, thơm ngon, cực hấp dẫn. Một tô bún đầy đặn giá khoảng 25 ngàn đồng. đủ để ăn no căng bụng. Trên đường Nguyễn Chí Thanh có nhiều quán thậm chí còn bán cả ngày.
Xôi gà Minh Khai
Xôi gà thì đâu chẳng có, vậy tại sao phải đến Đà Nẵng đến xứ miền Trung nắng gió để ăn xôi gà? Bởi vì gà ở đây vô cùng đặc biệt. Thịt gà chắc, không quá dai, da gà béo nhưng không ớn, khi luộc lên có màu vàng tươi, nhìn vô cùng hấp dẫn. Xương gà ngọt nên sau khi luộc, nước gà rất ngon, có vị ngọt tự nhiên.
Xôi khô nhưng không cứng, rất dẻo và khi được rưới một lớp mỡ hành gà thì chao ôi, màu hấp dẫn vô cùng, vừa bóng vừa tạo cho xôi màu vàng rượm. Xôi gà Đà Nẵng còn đặc biệt ở tương ớt miền Trung. Tương ớt có màu đỏ đậm, còn nguyên hạt, vừa cay vừa ngọt. Một dĩa xôi “đúng điệu” sẽ là sự kết hợp hài hòa của nhiều màu sắc: vàng của xôi và gà, xanh của hành lá, đỏ tươi của tương ớt.
Xôi gà có bán rất nhiều ở khắp thành phố Đà Nẵng nhưng nổi tiếng nhất và giá cả phải chăng là các hàng quán ngồi lề đường dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu ghé ăn vào sáng sớm, du khách còn kịp ngắm khung cảnh học sinh tíu tít đến ăn để chuẩn bị đi học.
Bánh bèo Lý Tự Trọng
Bánh bèo là món ăn vô cùng bình dân nhưng lại có sức quyến rũ không ngờ với người dân và cả du khách mỗi khi đến Đà Nẵng. Nhân bánh gồm tôm, thịt nạc băm, nấm mèo,… nấu sệt lại thành hỗn hợp đỏ hơi cam, nhìn vô cùng ngon mắt.
Khi bước vào quán, đập vào mắt đầu tiên là những chén bánh bèo làm từ men sứ được úp chồng lên nhau tạo thành những cái tháp, bên cạnh đó là nồi nhân bánh sôi sục sục bốc mùi thơm vô cùng quyến rũ.
Người Đà Nẵng thích ăn cay, nên chén nước mắm lúc nào cũng quá trời những lát ớt xanh đỏ xắt mỏng. Ăn có vài chén bánh bèo mà cứ hít hít hà hà. Nếu thích, du khách có thể ăn thêm chả.
Ở một số chỗ, chẳng hạn như quán ăn trên đường Lý Tự Trọng, bánh bèo sẽ được bán chung với bánh bột lọc, bánh nậm, bánh ít ram, bánh ướt,… nên bạn có thể gọi một dĩa thập cẩm để chén hết tất cả các loại bánh này. Bánh được nấu ngay tại chỗ nên luôn nóng hổi, ngon lành.
Bánh mì pate Chu Văn An
Đây là món ăn vô cùng ưa thích của giới trẻ Đà Nẵng vì đảm bảo đủ các tiêu chí: “rẻ, lạ, ngon”. Món này chỉ tầm 10 ngàn đồng thôi mà chất lượng vô cùng. Bánh mì sẽ chấm với pate, nước sốt gà, trứng cút, vài lát chả và tương ớt Đà Nẵng.
Kèm với đó là một dĩa rau răm, dưa leo. Đừng thấy cái dĩa bé vầy mà tưởng không no, vì nước sốt hơi mặn nên thường sẽ ăn kèm với nhiều bánh mì. Thêm một ly sữa đậu nành nữa là đúng chuẩn bữa sáng của người dân xứ Quảng.
Mì Quảng
Mì Quảng được xem là quốc hồn quốc túy của xứ miền Trung. Không hề khó để tìm được một quán mì quảng chất lượng. Mì Quảng miền Trung vô cùng đa dạng, ngoài các loại phổ biến như mì gà, mì tôm thịt trứng, còn có mì Phú Chiêm, mì sứa, mì quảng cá lóc.
Mì Phú Chiêm thường được bán trong các hàng gánh, ngồi trên vỉa hè và là món mì quảng truyền thống. Mì sứa hơi sực sực dai dai, nhai rất vui miệng. Mì cá lóc thì vàng ruộm với những lát cá lóc cắt khúc, vị hơi cay.
Mì Quảng đã được đưa đến nhiều vùng đất khác nhau trên đất nước, nhưng rất ít có nơi nào có thể nắm được cái hồn tinh túy nhất của món ăn này. Mì miền Trung luôn luôn ít nước lèo, chỉ vừa dưới đáy tô nhưng nước khá mặn nên khiến món ăn vẫn đậm vị.
Dĩa rau ăn kèm luôn luôn phong phú và bắt mắt với nhiều màu xanh khác nhau. Và đặc biệt, người miền Trung luôn ăn mì quảng với ớt xanh to bự, một tay cầm đôi đũa gắp từng sợi mì, một tay nắm ớt đưa vào miệng cắn và nhai rột rột.
Theo Trí Thức Trẻ/Vietnamnet