Vào TP. Hồ chí Minh ngày 26/4, các Cựu chiến binh không ở lại thành phố mà về luôn Sở Chỉ huy tỉnh đội Đồng Nai để cùng với chính quyền chuẩn bị làm Lễ Dâng hương, tưởng nhớ đồng đội của mình đang nằm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Long Thành vào chiều ngày 27/4 và dự buổi mít tinh kỷ niệm 50 năm giải phóng Long Thành vào sáng 28/4/2025.
Khi được tham gia cùng Đoàn, trong từng câu chuyện không liền mạch của các Cựu chiến binh tâm sự lại với nhau, tôi cố hình dung nhưng chắc chỉ cảm nhận được phần nào về nhũng người lính Đại đội 9, Trung đoàn 18 và những người lính thời đó thật gian nan, anh dũng, khoảnh khắc giữa sống chết chỉ trong gang tấc và chính họ cũng cảm thấy thật may mắn là mình vẫn còn sống được đến ngày hôm nay. Câu chuyện của họ nhiều lắm, song những chiến công của họ được đúc kết trong vài câu đơn giản thế này:
“Trong mùa hè đỏ lửa Quảng Trị 1972, Trung đoàn 18 góp phần đánh bại ý đồ chiếm lại Quảng Trị của Mỹ, ngụy Sài Gòn, lập kỳ tích 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Trong chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắt đứt đường số 1 tại Bạch Mã, con đường rút lui duy nhất của hàng vạn quân địch, góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Trong đội hình của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, Trung đoàn 18 tham gia giải phóng Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai…, rồi cùng các cánh quân của Quân đoàn 2, Sư đoàn 325 chọc thẳng vào dinh Độc Lập, thành lũy cuối cùng của địch, góp phần làm nên một mùa Xuân lịch sử 1975”.
Các Cựu Chiến binh về lại chiến trường xưa
Địa bàn Long Thành là một trong những vị trí trọng yếu, là bàn đạp quan trọng để quân đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, nên cũng là một trong những nơi mà rất nhiều đồng đội của họ đã ngã xuống. Cùng các Cựu chiến bình trở lại chiến trường xưa, tôi có cảm nhận rằng những người lính coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình, bởi nơi đó họ đã sống, đã cống hiến những ngày tháng khốc liệt nhất nên ai nấy đều có cảm giác rất gần gũi, xót thương đồng đội của mình khi họ không có mặt trong ngày Đất nước toàn thắng. Vậy nên, họ nôn nóng muốn được trở lại chiến trường xưa, được thắp nén hương cho đồng đội của mình khiến tôi rất xúc động trực rơi nước mắt.
Chụp ảnh tại Sở chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai
Chỉ 5 ngày ít ỏi được sinh hoạt cùng những người lính trong doanh trại Sở Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, thực hiện theo mệnh lệnh của người lính, được hòa mình cùng những người lính trong mọi hoạt động; được lắng nghe, tâm sự thấy được những tình cảm họ dành cho những đồng đội của mình đã ngã xuống, những người còn may mắn gặp mặt sau 50 năm, mới cảm nhận được sâu sắc nghĩa tình đồng đội của những người lính Bộ đội Cụ Hồ và tôi như được tiếp thêm những động lực tích cực trong cuộc sống.
Chiến tranh đã qua 50 năm, họ đã trở về với cuộc sống đời thường, nhưng khi gặp lại họ vẫn vui vẻ, sôi nổi như những ngày cùng nhau trong quân ngũ. Những người lính hát cùng nhau, những bài hát về người lính, về chiến tranh, về ngày toàn thắng… mà những bài ca đã đi vào năm tháng, giọng họ vẫn âm vang, sôi nổi, nhiệt tình, khí khách khiến cho tất cả từ người già tới các bạn trẻ như được tiếp thêm năng lượng mà hòa cùng với các anh. Tôi có đưa ra lời nhận xét rằng, sao các anh có tuổi rồi mà hát vẫn say mê, máu lửa thế? Họ tâm sự rằng, “thời chiến tranh, không có những bài hát như thế này thì không có tinh thần để ra trận”.
Các Cựu chiến binh tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai
Trên đường tiến vào trung tâm Sài Gòn để dự Lễ kỷ niệm, mới có hơn 01h sáng ngày 30/4/2025 thôi, tôi đã nhìn thấy người dân hai bên đường chật kín. Đêm không ngủ, cả Sài Gòn thao thức chờ đón đoàn xe của các đội hình thực hiện nhiệm vụ, của các lực lượng duyệt binh và những đoàn xe cựu chiến binh. Mỗi xe cựu chiến binh của chúng tôi đều có treo dòng chữ phía trước nên khi đi qua, hàng nghìn người dân hai bên đường vẫy cờ, reo hò chào đón như một lời tri ân với những người có công với đất nước khiến các anh cũng được an ủi, tự hào và đặc biệt, là con gái của Liệt sỹ, tôi cũng cảm nhận được rằng, bố đã giao lại sứ mệnh thay bố đến đây để chứng kiến những giây phút vinh quang này, để được thấy sự hy sinh của những người lính không bao giờ bị lãng quên.
Các Cựu chiến binh tại buổi giao lưu
Những hình ảnh, những sự kiện hào hùng của Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dần khép lại. Sẽ còn nhiều dịp kỷ niệm nữa nhưng đến một ngày nào đó, những hàng ghế của Cựu chiến binh, những người đã vào sinh ra tử trong những năm tháng kháng chiến dành độc lập tự do cho Tổ quốc sẽ dần vắng bóng. Diễu binh, diễu hành có thể sẽ là lần cuối cùng họ được chứng kiến…
Chúng ta có nhiều công việc quan trọng để có cuộc sống ấm no hạnh phúc, nhưng xin hãy gác lại một chút, chỉ một chút thôi, hãy dành một vài giờ đồng hồ để đứng bên đường, hãy chắp tay lên ngực như một lời tri ân trước bước chân của những người đã đi qua chiến tranh như những gì người dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước đã làm những ngày qua.
Hồng Chuyên