Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,6%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 93,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Với 15 Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực hiện từ ngày 1/1/2022, các Hiệp định Thương mại tự do này đang hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường lớn.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Cơ chế, chính sách xuất khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Các chính sách cũng phải đề ra giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cần thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường, phương hướng chung là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới.
Theo báo Nhân dân