Chủ Nhật, 24/11/2024 01:16:49 GMT+7
Lượt xem: 1308

Tin đăng lúc 03-08-2018

6 tháng, Quản lý thị trường xử lý hơn 52.000 vụ vi phạm

Con số trên được công bố tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) diễn ra ngày 2/8 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. 
6 tháng, Quản lý thị trường xử lý hơn 52.000 vụ vi phạm
Ảnh minh họa

Tình hình chống buôn lậu gian lận thương mại ngày càng tinh vi phức tạp

 

Sáu tháng đầu năm 2018, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng QLTT đã tích cực triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng QLTT phải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên không còn công khai như trước đây, tập trung tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang…), biên giới miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…), biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…). Hàng hóa vi phạm tập trung chủ yếu các mặt hàng như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực…

 

Đặc biệt, tại khu vực biên giới các tỉnh Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại, đường cát diễn biến phức tạp. Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, nhất là sau khi Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, việc vận chuyển bằng xe gắn máy có chiều hướng gia tăng; các đối tượng chia nhỏ số lượng vận chuyển mỗi chuyến từ 500 bao đến dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự.

 

Tình hình gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi chủ yếu là: quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu; kê khai giá trên hoá đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng; gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu, phân bón, sang chiết gas trái phép; sản xuất hàng hoá chưa được phép lưu hành, sử dụng phương tiện không có tem kiểm định…

 

Hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng: tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử-điện máy, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện... Tuy lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng do hàng hoá có chất lượng không cao, giá thành rẻ, gia công với chi phí thấp nên tình trạng này vẫn chưa ngăn chặn được triệt để. Bên cạnh đó, một số hàng hoá có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng bày bán công khai nhưng khó xử lý vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác. Hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…

 

"Thời gian qua, Cục QLTTđã triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm, bước đầu tạo được uy tín và tiếng vang trong dư luận xã hội" – ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLcho biết. Điển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS: đã chuyển cơ quan công an để điều tra hình sự; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hoá tại Kiên Giang, Long An, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; xử lý vi phạm đối với mỹ phẩm- thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương; xác minh dấu hiệu vi phạm đối với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG…

 

Tăng cường sự phối hợp hiệu quả của toàn lực lượng

 

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của lực lượng QLTT trong thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ những khó khăn, hạn chế của lực lượng QLTT: Kinh phí cho tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hàng hoá là thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại, động, thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và khó khăn trong việc lưu giữ, bảo quản; nhiều chi cục, đội QLTT không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm. Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

 

Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu, lực lượng QLTT tăng cường triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019. Đồng thời đề nghị, các đội QLTT có địa bàn giáp ranh với các tỉnh cần tăng cường công tác nắm tình hình, theo dõi các luồng tuyến, nhằm đấu tranh có hiệu quả công tác chống vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại... nhất là với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ, đường cát...

 

Thứ trưởng cũng nhận định, thời gian tới, việc thành lập Tổng cục QLTT sẽ sớm được hoàn thiện. Nhưng điều quan trọng không phải là sự thay đổi từ Chi cục lên Cục, từ Cục lên Tổng cục mà lực lượng phải làm gì để thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ đã được giao. Thứ trưởng hy vọng mỗi cán bộ QLTT ý thức rằng, khi là một thành viên của lực lượng QLTT, phải luôn làm tốt nhất vai trò của mình: kiểm tra kiểm soát thị trường, tăng cường phối hợp công tác với địa phương, và giữa QLTT với các lực lượng chức năng khác như công an, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển… để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

 

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Cục trưởng Trịnh Văn Ngọc cam kết, sẽ chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Thông qua thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, thực hiện các công tác chuẩn bị, xây dựng dự thảo đề án hoạt động sau khi Quyết định Tổng cục QLTT được Thủ tướng ban hành.

 

6 tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra 79.284 vụ; phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng; Trong đó có 4.663 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; 367 vụ vi phạm về mặt hàng phân bón; 2.342 vụ vận chuyển buôn bán thuốc lá lậu với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 8,9 tỷ đồng; tịch thu gần 390.000 bao thuốc lá các loại; 722 vụ vi phạm về mặt hàng xăng dầu; xử phạt vi phạm hành chính trên 5,1tỷ đồng; 482 vụ về mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng, xử phạt vi phạm hành chính gần 4 tỷ đồng, thu giữ 2.204 bình LPG 12 kg, 17.354 chai LPG mini...

 

 

Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang