Xuất khẩu tháng 7 tăng 8,9% so với cùng kỳ
Mặc dù xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những tháng trước đó, cùng với sự thuận lợi về tỷ giá (tỷ giá USD tăng mạnh trong khi các ngoại tệ khác như euro, yen Nhật lao dốc, tiền đồng ổn định đã tác động thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam) nhưng theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 có sự sụt giảm so với tháng 6 chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng hàng nông lâm thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo.
Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 7 giảm 7,7% so với tháng trước, đạt 30,3 tỷ USD chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản (giảm 7,4% so với tháng trước, trong đó giảm ở hầu hết các mặt hàng nông sản, trừ rau quả và cao su) và nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 7,2% so với tháng trước, trong đó giảm nhiều nhất là: phân bón các loại, giảm 33,3%; sắt thép các loại, giảm 23,3%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giảm 22,6%). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 vẫn tăng tới 8,9% so với cùng kỳ. Điểm sáng trong xuất khẩu là xuất khẩu nhóm nhiên liệu khoáng sản tăng 23,5%, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 83% so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch XK đã vượt 200 tỷ USD (đạt 216,35 tỷ USD) và tăng tới 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 17%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 15,78%).
Bộ Công Thương đánh giá, với kết quả đạt được cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Về xuất khẩu các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 7 tháng đạt 18,23 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 6,6 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu cà phê đạt 2,58 tỷ USD, tăng 44,8% về trị giá xuất khẩu và tăng 11,8% về lượng so với cùng kỳ năm trước; Xuất khẩu gạo tăng tới 19,9% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 7 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 185,8 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Tuy nhiên, tính riêng tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này tiếp tục xu hướng giảm so với tháng trước- giảm 7,2% (trước đó tháng 6 giảm 9,1% so với tháng 5), chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm tới 22,6%; Sắt thép các loại giảm 23,3%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 15,4%. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như: xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7,5%; giầy dép các loại giảm 2,7%; dây điện và cáp điện giảm 2,3%; hàng dệt và may mặc chỉ tăng 0,4%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 116,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu dầu thô tăng 57,4%; xăng dầu tăng 53%; quặng và khoáng sản khác tăng 13,2%).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2022: Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là điểm sáng trong tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 66,7 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 30,8% tổng kim ngạch XK cả nước; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 30,42 tỷ USD, tăng 6,5%; EU ước đạt 27,67 tỷ USD, tăng 21,1%; ASEAN ước đạt 20,38 tỷ USD, tăng 25,8%; Hàn Quốc ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 14,5%; Nhật Bản ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 12,2%.
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu
Cũng theo báo cáo, trong tháng 7/2022, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 76,06 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 139,5 tỷ USD, tăng 13,7%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 191,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 125,7%; dầu thô tăng 31,2; Khí đốt hoá lỏng tăng 43,3%...
Ngoài ra, nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: lúa mì tăng 22,8% (chủ yếu do sự tăng về giá); nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 77,5%; hóa chất tăng 30,2%; cao su các loại tăng 27%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,7%; phôi thép tăng 26%...
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 7 tháng ước tính tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12,5 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu rau quả tăng 27,3%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 38%; chế phẩm thực phẩm khác tăng 31,3%… so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,45 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 37,28 tỷ USD, tăng 23,7%; ASEAN đạt 28,2 tỷ USD, tăng 13,6%; Nhật Bản đạt 13,99 tỷ USD, tăng 9,8%; EU đạt 9 tỷ USD, giảm 6,1 so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại ước tính tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, với khoảng 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD).
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất như hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
Theo Moit.gov.vn