Tăng trưởng khá cao
Đây là đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Tổng kết 30 năm phát triển kinh tế do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, theo TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu như ở giai đoạn đầu đổi mới, từ năm 1986-1990, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 4,4% thì những năm sau đó, GDP của Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể: Giai đoạn 1991-1995 tăng GDP 8,2%; 1997-1999 là 7%; 2000-2005: 7,51%; 2006-2010: 6,7% và giai đoạn 2011-2014 là 5,67%. Đáng chú ý, hiện nay 80% GDP đến từ công nghiệp và dịch vụ. Từ nền kinh tế chủ yếu đơn sở hữu, hiện đã có 2/3 GDP thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước với 20% của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, sau thời gian bứt phá tăng trưởng thì kinh tế Việt Nam đang có bước chững lại, thậm chí có tiêu chí bị thụt lùi. “Việt Nam đang bị các nước phát triển hơn, đặc biệt là Trung Quốc bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách”- TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS-TSKH. Nguyễn Quang Thái cũng cho rằng, Việt Nam đang tụt hậu xa hơn về kinh tế. Theo phân tích của GS. Thái, đổi mới về thể chế kiểu “cởi trói” được thực hiện từ những năm đầu cải cách đã dần mất tác dụng, nền kinh tế hiện nay đòi hỏi cao hơn.
Trở thành “công xưởng” theo hướng nào ?
“Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành công xưởng thế giới” là cụm từ được nhắc nhiều tại các diễn đàn, hội thảo, phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây. Với những lợi thế từ hội nhập và tiềm năng nội tại, mục tiêu này có thể thực hiện nếu chúng ta biết hóa giải những yếu kém căn bản đang tồn tại như: Năng suất lao động và khoa học công nghệ. Hai “tử huyệt” này đang kéo chậm lại “đoàn tàu” kinh tế của Việt Nam.
Nêu giai đoạn 1990-1995, 1995-2000, 2000-2005, tăng trưởng năng suất lao động đạt trung bình 5,4 điểm thì đến giai đoạn 2005-2012 con số này là 3,6 điểm. Sự phát triển lùi này còn thể hiện ở cả lĩnh vực vốn được coi là thế mạnh: Nông nghiệp. Năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ bằng 1% của Singapore và bằng khoảng 50% các nước thu nhập trung bình.
Yếu tố cốt lõi để thay đổi năng suất, chất lượng là khoa học công nghệ cũng chỉ đầu tư ở mức thấp. Tỷ lệ nghiên cứu và phát triển GDP của Việt Nam năm 2011 là 0,21%, chỉ bằng 1/3 của Malaysia (0,7%) và thấp xa so với Hàn Quốc (3,4%).
Trước thực tế này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Cần nhìn nhận thực tế để định vị chính xác về nền kinh tế Việt Nam trong không gian kinh tế toàn cầu và khu vực, từ đó ban hành chính sách phát triển phù hợp.
Sự phát triển của kinh tế tư nhân đặt trong nền tảng nền kinh tế với giáo dục kỹ năng chuyên sâu, chất lượng thể chế, cơ sở vật chất hạ tầng vượt trội và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nên được coi là quan điểm phát triển trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
|
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử