Thứ Hai, 07/04/2025 23:27:38 GMT+7
Lượt xem: 300

Tin đăng lúc 07-04-2025

9 tháng cuối năm cần tăng trưởng khoảng 8,3%

Ngày 6-4, phát biểu tại phiên họp Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tăng trưởng GDP quý 1 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2-6,6%) và là mức tăng trưởng quý 1 cao nhất từ năm 2020. Kết quả tích cực này giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực.
9 tháng cuối năm cần tăng trưởng khoảng 8,3%
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1 tăng 3,22% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5%, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực.

 

Báo cáo cũng nêu, tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, hiệu quả, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; các động lực tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều rủi ro, công tác an sinh xã hội có thể đối mặt với nhiều thách thức.

 

Cụ thể, nếu bị áp mức thuế 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ bị tác động mạnh, lây lan ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước… Đây là sức ép rất lớn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, yêu cầu sự chủ động, quyết liệt, sát sao, đổi mới hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương. Trên cơ sở kết quả quý 1, dự báo cả năm, theo Bộ Tài chính, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì 9 tháng cuối năm cần tăng trưởng khoảng 8,3%. Trong đó, tăng trưởng quý 2 là 8,2%, quý 3 và quý 4 lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra. Tính riêng quý 2, công nghiệp chế biến, chế tạo cần tăng 10,1% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng; sản xuất điện, khí đốt cần tăng 11,5%, ngành khai khoáng cần phục hồi để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.

 

Theo Bộ Tài chính, đầu tư công còn nhiều dư địa để thúc đẩy, với tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội giao thực hiện năm 2025 là gần 826.000 tỷ đồng. Khu vực dịch vụ, du lịch duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý 1, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy.

 

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất một số vấn đề trọng tâm. Nhiệm vụ đầu tiên trong ngắn hạn là tăng cường đối thoại, thúc đẩy đàm phán song phương với Hoa Kỳ để thỏa thuận mức áp thuế đối ứng hợp lý, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích...

 

Cùng với đó, thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan ngang bộ cần chủ động rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi (dự kiến ngày 1-7), bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý…

 

Theo sggp.org.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang