Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng qua diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Tính đến hết tháng 9/2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 7.519 tỷ đồng; khởi tố 1.615 với 2.148 đối tượng, tăng 90,27% về số vụ và tăng 85,63% về số đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng vi phạm, thời gian qua nổi lên tình trạng buôn lậu khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo ôxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... tại nhiều địa phương trên cả nước, chủ yếu diễn ra phức tạp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Các hành vi vi phạm như hoạt động sản xuất, buôn bán các sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.Buôn bán hàng nhập lậu và sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, liên quan đến hoạt động thương mại điện tử; buôn bán, vận chuyển một số mặt hàng cấm qua biên giới.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng BanChỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, 9 tháng qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã đạt được nhiều kết quả.Tuy nhiên, một số địa phương chưa chỉ đạo sát sao, lực lượng chưa làm tốt quản lý địa bàn, đối tượng. Đặc biệt, thời gian qua có một số vụ việc gian lận, buôn lậu hết sức tinh vi.
Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát và nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sẽ tăng trở lại, cộng với đó là việc chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, kèm theo đó là nguy cơ lớn về buôn lậu, gian lận thương mại. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết. Đặc biệt cần hết sức quan tâm đến vấn đề gian lận trên môi trường không gian mạng, cần có các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, kiểm soát, phát hiện vụ việc trên không gian mạng.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; tuyên truyền về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, cũng như các vụ việc vi phạm tới cộng đồng, từ đó thể hiện tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật./.
PV