Thông tin này vừa được GS-TS Phạm Duy Tường – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Trường ĐH Y Hà Nội cho biết tại Diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”.
Theo ông Tường, nếu Việt Nam không có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn thực phẩm bẩn thì xây bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ đáp ứng phục vụ người bệnh.
Tại Diễn đàn, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 150 toàn thế giới, trong khi lại là nước đứng thứ hai thế giới về tỉ lệ mắc bệnh ung thư.
Mất an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay. Thực trạng sử dụng thức ăn chứa chất tăng trọng trong chăn nuôi, thuốc kích thích tăng trưởng rau, hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản… ngày càng phổ biến. Thực phẩm bẩn đã, đang và sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, giống nòi…
Ông Nguyễn Tử Cương – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy hải sản bức xúc: Chất lượng thực phẩm như hiện nay thực sự là đáng lo ngại. Để thu được những khoản lợi nhuận bất chính, nhiều người kinh doanh sẵn sàng bỏ hóa chất và các chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm vào, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng.
Chia sẻ thêm thông tin tại diễn đàn, GS Nguyễn Lân Dũng (nguyên đại biểu Quốc hội) cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 200.000 ca ung thư mới và số người chết vì căn bệnh này là 70.000. Nguyên nhân từ thực phẩm bẩn chiếm đến 35% trong số các bệnh nhân ung thư.
Do vậy, loại trừ thực phẩm bẩn đã đến lúc được xem là vấn đề cấp bách. Các cơ quan chức năng có liên quan cần phải có một giải pháp quyết liệt, nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn được đưa ra thị trường, đến với tay người tiêu dùng.
Nguồn Enternews