Cơ hội khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể tóm tắt trong 4 trụ cột chính đó là: Một thị trường và một cơ sở sản xuất chung; khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế công bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Một thị trường rộng lớn
AEC được thành lập sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình cộng đồng kinh tế – an ninh – xã hội. Kinh tế khu vực dự kiến sẽ được nâng cao tính cạnh tranh, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn đồng thời là nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Nếu được thành lập, AEC sẽ là một thị trường chung có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm vào khoảng 2.000 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu; và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.
Các lĩnh vực hợp tác để chuẩn bị hình thành AEC dự kiến sẽ bao trùm lên nhiều lĩnh vực, từ phát triển nguồn nhân lực đến trao đổi chuyển giao; hợp tác tư vấn quản lí kinh tế vĩ mô và chính sách tài chính; các biện pháp tài trợ thương mại; tăng cường cơ sở hạ tầng và trao đổi thông tin liên lạc, v.v… Tại thời điểm này, các quốc gia ASEAN đang ở vào giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho việc hình thành cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) vào cuối năm 2015.
AEC ra đời dự kiến sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng thị trường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, với hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn nhờ rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ. Doanh nghiệp còn có thể tận dụng những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN đã kí kết với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand như ưu đãi thuế quan 0%, cũng như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) sắp xây dựng.
Trong thị trường chung AEC có 12 ngành công nghiệp được ưu tiên hội nhập gồm Sản phẩm từ nông nghiệp, hàng không (vận tải hàng không), ô tô, điện tử ASEAN, thủy sản, y tế, các sản phẩm cao su, dệt may và may mặc, du lịch, các sản phẩm gỗ và dịch vụ logistics cũng như thực phẩm, nông lâm sản.
Theo kỳ vọng, một thị trường đơn nhất đối với hàng hóa và dịch vụ sẽ thúc đẩy sự phát triển các mạng lưới sản xuất trong khu vực và tăng khả năng của ASEAN trong việc đảm nhận vai trò trung tâm sản xuất của thế giới và là một phần của dây chuyền cung ứng toàn cầu. Theo đó, các biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện để xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất gồm: Dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển của dòng vốn.
Các biện pháp nói trên đều đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA), v.v…
Việt Nam nỗ lực hội nhập AEC
Cho đến nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo Hiệp định ATIGA, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Việt Nam là một trong 4 thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Việt Nam đã rất tích cực, chủ động, đề xuất nhiều sáng kiến để thúc đẩy quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Việt Nam đang tích cực phối hợp với các nước để xây dựng cơ chế vận hành và các vấn đề kỹ thuật khác liên quan đến cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR). Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển các mạng lưới sản xuất, thương mại trong khu vực. Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các biện pháp khác để thực hiện cam kết về dịch vụ và đầu tư trong ASEAN để hướng tới hình thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung.
Song song với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo ra lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt được thông tin của đối thủ, từ đó có những chiến lược kinh doanh phù hợp cũng như khả năng ứng phó trước tình huống rủi ro, chuyên môn hóa sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thế mạnh, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Việt Nam đã có một quá trình dài để chuẩn bị hội nhập vào AEC. Theo đó, việc lớn nhất mà Việt Nam đã làm được là xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý và quy phạm pháp luật nhằm cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh và sự trưởng thành khi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Việt Nam đã có nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, có thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn và đặc biệt, có hệ thống doanh nghiệp vững mạnh. Bên cạnh đó, ngay từ năm 1998, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về AEC do Phó Thủ tướng đứng đầu. Đây là những nền tảng cơ bản quyết định sự thành công của việc gia nhập AEC.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đánh giá: Trong thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng AEC, thông thường Việt Nam đạt từ 85-90% và luôn nằm trong top cao nhất của ASEAN. Gần đây nhất, trong kỳ rà soát tháng 10/2014, Việt Nam cùng với Singapore đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch tổng thể. Trong khi đó, mức bình quân chung của các nước ASEAN mới đạt khoảng 82,1%.
Kỳ 2: Mở cửa thận trọng và có lộ trình
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương