My Closet gồm 400 sản phẩm khác nhau, chủ yếu nhắm đến tệp khách hàng phụ nữ trẻ (16-24 tuổi). So với thương hiệu khác, các sản phẩm thời trang của My Closet sẽ có giá thấp hơn 50-75%.
Ví dụ, trong khi giá một chiếc áo thun của thương hiệu phương Tây hoặc Nhật Bản dao động 200.000-300.000 đồng, tương đương 8,5-12,75 USD, thì loại tương tự tại My Closet có giá khoảng 150.000 đồng, tức 6 USD.
Chia sẻ với Nikkei Asian Review, ông Yasuyuki Furusawa - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam - đặt mục tiêu biến thương hiệu mới trở thành bước đột phá trong mảng thời trang nhanh đầu tiên của công ty.
Đại diện Aeon cho biết các sản phẩm được gia công tại nhà máy địa phương. Quy trình sản xuất các mặt hàng dự kiến chỉ kéo dài 1-2 tháng.
Bên cạnh đó, công ty sẽ bổ sung các thiết kế mới, đảm bảo tốc độ kinh doanh cao và giảm chi phí. Để hạn chế chi phí vận chuyển, Aeon có kế hoạch sử dụng các tuyến đường phân phối hiện có giữa các cửa hàng.
Công ty sẽ triển khai thương hiệu mới tại các cửa hàng khác ở Việt Nam, đồng thời sẽ xem xét cung cấp thương hiệu này trên trang thương mại điện tử nội địa cũng như các quốc gia lân cận như Malaysia.
Kể từ thời điểm khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014, tập đoàn đã mở rộng lên 200 cửa hàng trên cả nước, bao gồm hàng loạt siêu thị và 6 trung tâm thương mại.
Theo kế hoạch trung hạn công bố hồi tháng 4/2021, Aeon kỳ vọng tạo 25% lợi nhuận hoạt động bên ngoài Nhật Bản vào năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2026. Mục tiêu này cao hơn 3% so với giai đoạn 4 năm trước đó.
Aeon đánh giá thị trường châu Á là chìa khóa giúp hoàn thành kế hoạch này. Cũng trong năm 2026, Aeon đặt mục tiêu tăng lợi nhuận hoạt động 2 lần so với 6 năm trước đó lên hơn 100 tỷ yên, tương đương 700 triệu USD.
Ông Soichi Okazaki - Giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh khu vực Đông Nam Á của tập đoàn - từng nhận xét Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược vươn ra nước ngoài. Tập đoàn mong muốn mở thêm 100 siêu thị vào năm 2025, tức gấp 10 lần tổng số hiện tại, và nâng số lượng trung tâm thương mại lên 16.
Theo Statista, thị trường may mặc tại Việt Nam được dự báo đạt 7,33 tỷ USD vào năm 2025 và còn nhiều dư địa để khai thác.
Trước Uniqlo, một thương hiệu cũng đến từ Nhật Bản hiện có 12 cửa hàng (tiến vào thị trường từ năm 2019), các thương hiệu thời trang nhanh khác như H&M, Zara đã bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2016-2017.
Theo Zing