Thực trạng của việc mất an ninh mạng hiện nay
Khả năng lây lan nhanh và mối nguy hiểm trong việc sử dụng các thông tin bị virus Wannacry đánh cắp đã khiến Microsoft phát đi thông điệp cảnh báo chính phủ các nước cần quan tâm đặc biệt đến sự kiện này, đồng thời, nhận định đây là "hồi chuông cảnh báo" cho toàn thể thế giới.
Phạm vi tấn công của Wannacry cho thấy, không chỉ các phương tiện kết nối Internet bị ảnh hưởng mà ngay cả các thiết bị offline. Điều này cho thấy những rủi ro lớn liên quan đến an ninh mạng mà người tiêu dùng có thể gặp phải trong thời đại của thế giới kỹ thuật số. Nguy hiểm hơn, trong thời đại ngày nay, hầu như tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống của con người, từ sức khỏe, tài chính, đi lại, mua sắm và truyền thông, giải trí đều được phát triển trên nền tảng kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, nhất là những thành phố lớn có đông du khách nước ngoài như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra do sự chủ quan, thiếu cảnh giác của người tiêu dùng. Tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ bị đánh cắp dẫn đến việc tiền trong tài khoản bị mất trộm. Nếu như người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, cẩn thận hơn trong việc quản lý tài khoản bằng việc đăng ký dịch vụ thông báo biến động tài khoản, giữ bảo mật tuyệt đối về tài khoản của mình, chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc đó. Không những vậy, wifi công cộng cũng là một hiểm họa. Tính bảo mật của wifi công cộng đã nhiều lần được các chuyên gia cảnh báo, nhưng người tiêu dùng vẫn làm ngơ. Minh chứng là có nhiều giao dịch tài chính đã được thực hiện tại các điểm truy cập wifi công cộng. Khi ấy, người tiêu dùng có thể đánh mất mật khẩu, tài khoản của họ, hoặc bị lợi dụng để thực hiện những giao dịch trái phép bất cứ lúc nào.
Thống kê về các nội dung mà người tiêu dùng sử dụng thông qua các điểm wifi công cộng
Sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người tiêu dùng với việc bảo vệ an toàn thông tin đang ngày càng báo động khi xảy ra những hành động như: Chụp ảnh vé máy bay đăng lên phương tiện thông tin đại chúng; không xác minh rõ ràng mà vội vàng cung cấp tài khoản, mật khẩu khi nhân được những tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu gửi thông tin cá nhân với những lý do mà kẻ lừa đảo đưa ra. Chắc chắn rằng, nếu hành động như vậy, tội phạm có thể lợi dụng những thông tin đó để thực hiện giao dịch giả, mất tiền và còn nhiều hệ quả khó lường khác.
Trách nhiệm nâng cao an ninh mạng
Thế giới đang tạo ra ngày càng nhiều phương thức, công nghệ để thu thập tối đa các thông tin của người tiêu dùng. Trong môi trường kỹ thuật số, thông tin của người tiêu dùng là tài sản quý giá không chỉ đối với các đơn vị kinh doanh mà còn với các đối tượng lừa đảo. Sự phát triển của các công ty, tập đoàn lớn như Google, Facebook, Amazon là minh chứng cụ thể cho thấy việc khai thác và quản lý dữ liệu người tiêu dùng mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho các tổ chức, công ty. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đưa ra nhận định: Dữ liệu giờ đây mới là nguồn tài nguyên quý giá nhất chứ không phải dầu mỏ. Do vậy, với vai trò là người chủ, là người sở hữu thông tin, người tiêu dùng trong các quá trình giao dịch, hoặc thực hiện chia sẻ thông tin trên các phương tiện kỹ thuật số cần hiểu và nhận thức được những giá trị thông tin mà mình chia sẻ. Từ đó, người tiêu dùng nên đưa ra biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn thông tin cho chính quyền lợi của bản thân mình.
Bên cạnh đó, người dùng mạng hiện nay đã tự trang bị cho mình những hệ thống phòng tránh các cuộc tấn công trên mạng lưới Internet. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để bảo đảm an toàn cho những hoạt động, thông tin hàng ngày lưu chuyển, kết nối, chia sẻ trong mạng lưới Internet. Sự chủ động tham gia của người tiêu dùng với vai trò không chỉ là bên thụ hưởng mà còn là chủ thể phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý quá trình bảo đảm an ninh mạng - một trong những nhân tố quyết định hiệu quả và thành công của các biện pháp bảo đảm an toàn trong các giao dịch.
Hương Chu