Năm nay, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, thị trường bánh Trung thu trên địa bàn Hà Nội có phần kém sôi động hơn những năm trước, nhất là những năm trước dịch Covid 19. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn xuất hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, xử lý. Đơn cử, ngày 21/8/2023, Đội QLTT số 22, QLTT Hà Nội đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh hàng hóa, địa chỉ: K29, số 9 đường Thụy Phương, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 4.608 chiếc bánh Trung thu bibizan do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.
Theo nhận định của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận cao, nên vào dịp Tết Trung thu đều xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Cùng với các cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất theo quy định, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu không tuân thủ quy định. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, ngày 15/8/2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành công văn số 1888/ATTP-NĐTT gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023.
Theo đó, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.... Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu cần trang bị cho mình kiến thức để bảo đảm sử dụng bánh an toàn nhất. Cụ thể, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí, đó là sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, gồm: Có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Ngoài ra, người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Sản phẩm không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm, như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ; tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Ngoài ra, cần bảo quản và sử dụng bánh Trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm. Nên lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất, như: Đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có). Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa, nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh. Không nên ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.
Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời./
Minh Ngọc