30/34 chỉ tiêu đạt và vượt
Sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đến nay, Bình Dương đã bắt kịp đà tăng trưởng, vươn lên mạnh mẽ với 30/34 chỉ tiêu về kinh tế- xã hội đạt và vượt kế hoạch năm.
Một trong những điểm sáng về kinh tế của Bình Dương năm 2022 là thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ 2 cả nước, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 96.722 tỷ đồng, tương tương gần 4 tỷ USD, tăng 28,1% so với năm 2021.
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương cho rằng, việc tăng nguồn vốn đầu tư trong nước là tín hiệu tốt về môi trường đầu tư của Bình Dương. Điều này cũng phản ánh đúng chủ trương của tỉnh là cùng với thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, thì chú trọng vốn đầu tư trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh.
"Năm 2022, giá trị đầu tư trong nước vượt hẳn giá trị đầu tư nước ngoài, đây là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ nội lực của doanh nghiệp Việt Nam đã có phần tăng trưởng, kéo giảm khoảng cách giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Hy vọng sắp tới khoảng cách này ngày càng ngắn hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển cùng với doanh nghiệp FDI trong tỉnh" - ông Trọng phân tích.
Ngoài thu hút đầu tư, các chỉ tiêu khác về kinh tế năm 2022 ở Bình Dương tăng vọt, như: GRDP tăng 8,29%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 16,8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 12,9%... Đặc biệt, năm 2022, mặc dù khó khăn do biến động thị trường toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 35,7 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2021.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, kinh tế-xã hội tăng trưởng tốt khẳng định những chủ trương, chính sách của tỉnh đề ra đã và đang đi đúng hướng, nhận được sự đồng tình từ doanh nghiệp, người dân.
“Tôi cho rằng khi chúng ta phát triển kinh tế thì rất cần sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước và muốn vậy phải hiểu nhau về mục đích phát triển, lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên đầu tư, hạ tầng sẽ đầu tư. Khi hiểu nhau thì tất cả sẽ rất đồng thuận, thực hiện tốt công việc trong từng lĩnh vực khác nhau” - ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Tiếp đà tăng trưởng
Để tiếp đà tăng trưởng của năm 2022, Bình Dương đặt ra 35 chỉ tiêu cho năm 2023, trong đó GRDP tăng 8,5-8,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,9%; thu ngân sách trên 74.000 tỷ đồng - tăng gần 20% so với năm 2022...
Doanh nghiệp Bình Dương sử dụng nhiều máy móc hiện đại trong sản xuất.
Để đạt các chỉ tiêu đề ra, Bình Dương xác định, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, địa phương tiếp tục áp dụng chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để Bình Dương tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp.
Ông Alexander Nowakowski, Bí thư phụ trách kinh tế của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam đánh giá: "Tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ của các bên liên quan, các ban ngành ở Bình Dương cho doanh nghiệp Ba Lan và các nước đầu tư tại đây. Ngoài dự án cà phê sạch đang xây nhà máy sẽ có thêm sự quan tâm để doanh nghiệp Ba Lan đầu tư lĩnh vực thực phẩm, y tế".
Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục có những khó khăn, thách thức, tác động mạnh đến các doanh nghiệp. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, mở rộng áp dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở nỗ lực hơn nữa để làm tốt vai trò là "cầu nối", giúp doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm các thị trường mới.
“Tôi kỳ vọng lĩnh vực phát triển công nghiệp sẽ phát triển mạnh và vấn đề xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được cải thiện. Trong đó, tạo ra trên cơ sở của những hiệp định đã ký sẽ tạo cơ hội mới cho những thị trường mới để doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu"- ông Toàn nói.
Khắc phục các điểm nghẽn về giao thông, tăng cường các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh, cũng như trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong các giải pháp được Bình Đương đặt ra để phát triển kinh tế- xã hội.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đánh giá cao sự nỗ lực của Bình Dương trong việc tăng tốc khắc phục các điểm nghẽn về giao thông. Ông cho rằng, điều này sẽ giúp Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn, bây giờ một đoạn đang trở thành đường Vành đai 3 là một cách tạo lợi thế vùng qua đầu tư giao thông. Ông tin rằng trong tương lai làm đường vành đai 3, vành đai 4 và đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành thì Bình Dương sẽ có nhiều lợi thế trong vấn đề liên kết phát triển, tạo lợi thế vùng thành lực đẩy cho mình phát triển trong tương lai.
Phát triển kinh tế Bình Dương ngoài doanh nghiệp còn có đội ngũ công nhân lao động, do đó trong 35 chỉ tiêu năm 2023, tỉnh này chú trọng đến việc phát triển thêm nhà ở xã hội, trường lớp, cơ sở y tế, trung tâm văn hóa cộng đồng... từ đó đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho những người đã có nhiều đóng góp cho tỉnh.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đặt ra các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao để đưa sản phẩm nông nghiệp Bình Dương bay cao, bay xa, góp phần vào sự phát triển của địa phương./.
Theo Vov.vn