Theo các chuyên gia, các hệ thống quản lý, công cụ quản trị hiện đại đã được vận dụng hiệu quả tại các DN hàng đầu trên thế giới, đưa đến sự thành công vượt bậc. Tại Việt Nam, nhiều DN trong đó có một số DN tại Hà Nội đã áp dụng và đạt hiệu quả cao, góp phần làm tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, nâng cao sự hài lòng của khách hàng và sự cạnh tranh của DN trên thị trường. Tiêu biểu như: Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã áp dụng công cụ quản trị BSC & KPI (công cụ quản lý hiệu suất). Để chuẩn bị tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, với mục tiêu đến năm 2018, sản phẩm của công ty được xuất sang thị trường các nước G20, một số nước G7, hệ thống lương 3Ps, hệ thống sản xuất tinh gọn LEAN + SIX SIGMA, công cụ cải tiến liên tục 5S - KAIZEN... đã được Rạng Đông triển khai áp dụng.
Còn tại các DN dệt may như: Tổng công ty CP May Đức Giang, Tổng công ty CP May 10, Công ty TNHH nhà nước MTV Dệt kim Đông Xuân… khi áp dụng các công cụ cải tiến 5S, LEAN, KEIZEN, TPM, quản trị mã vạch… đã giúp nâng cao năng suất từ 15% - 30% và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, mở rộng mạng lưới khách hành, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng kịp thời. Hay tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu - Nước giải khát Hà Nội, do áp dụng chương trình 5S; hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo HACCP - ISO 22000, đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm hao phí sản xuất, giảm lao động nặng nhọc và nâng cao năng suất lao động….
Tuy nhiên, bên cạnh các DN áp dụng khá hiệu quả các hệ thống quản lý, các công cụ quản trị hiện đại vẫn còn có nhiều DN chưa tập trung triển khai hoạt động này. Ths. Doãn Trung Tuấn - Bí thư Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội cho rằng, việc đầu tư đổi mới hệ thống quản lý chất lượng ở các DN hiện nay nói chung và DN thuộc Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội nói riêng diễn ra còn chậm, không theo kịp yêu cầu và nếu có cũng chỉ để giải quyết những mục tiêu trước mắt hoặc tình huống mà DN gặp phải, khi áp dụng thực hiện cũng không quyết liệt.
Ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân phổ biến thường đến và phát sinh từ chính những vấn đề nội tại của DN. Nhận thức được coi là rào cản lớn nhất đối với các DN khi tiếp nhận các công cụ quản trị hiện đại. Bên cạnh đó, một chiến lược kinh doanh cụ thể dài hơi cũng là khâu yếu tại nhiều đơn vị. Ngoài ra, việc tồn tại văn hóa làm việc theo lối quan liêu, ôm đồm của người lãnh đạo DN sẽ khó khăn cho việc ứng dụng mọi công cụ quản trị.
Ths Doãn Trung Tuấn - Bí thư Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội - cho biết: Trong bối cảnh hội nhập để phát triển DN phải dựa vào hai yếu tố gồm các nguồn tri thức khoa học công nghệ và môi trường phát triển với tổng hòa các yếu tố văn hóa, chính trị xã hội và kinh tế. Những đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, quản trị DN, trong tổ chức sản xuất, liên kết hoạt động… ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Cơ hội là rất lớn và chỉ có những DN nào nắm bắt được cơ hội, thay đổi được tâm thế, chủ động đổi mới, sáng tạo mới có thể thành công.
Nguồn Báo Công Thương điện tử