Trước thực tế đó, ngày 22/11 vừa qua, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư, theo đó, ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô chính thức được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Quy định mới này đã có không ít ý kiến trái chiều, tuy nhiên ở góc độ cơ quan soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định không có lợi ích nhóm nào mà chỉ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Thời gian qua, việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, đưa ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết, vì đây là ngành đòi hỏi công nghệ cao, liên quan đến an toàn và lợi ích của người tiêu dùng. Mặt khác, với tình hình kinh tế thế giới diễn biến bất ổn như hiện nay, việc có thêm các điều kiện nhằm tạo ra hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh trong nước là rất cần thiết.
Ở phía ngược lại, có ý kiến cho rằng, nhập khẩu ô tô nếu đưa vào kinh doanh có điều kiện chỉ vì lý do an toàn, bảo hành xe là chưa thỏa đáng, điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp (DN) lắp ráp, nhập khẩu và vô tình tạo thế độc quyền. Đây sẽ chỉ là sân chơi của những “ông lớn”, còn những DN nhỏ và vừa sẽ không có chỗ nếu muốn tham gia vào thị trường này. Ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Xét từ nhiều góc độ, mỗi chính sách khi ban hành có thể có mức độ tác động khác nhau đến những nhóm lợi ích khác nhau. Là cơ quan soạn thảo chính sách, trước khi đưa ra quy định, chúng tôi phải nghe từ nhiều phía và xem xét, phân tích tác động từ nhiều góc độ khác nhau chứ không làm bằng cảm tính. Quyết định này được đưa ra căn cứ từ lợi ích chung tổng hòa của quốc gia, trong đó, có một mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chứ không thiết kế pháp luật theo đòi hỏi của bất kỳ nhóm lợi ích nào. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc đưa nhập khẩu, lắp ráp, sản xuất ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện không có nghĩa là cản trở và hạn chế quyền kinh doanh của DN mà là ra điều kiện, ai đáp ứng được thì kinh doanh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, đại diện đơn vị thẩm tra dự án luật cho rằng, ngành nghề sản xuất ô tô là ngành có nhiều tiềm năng để phát triển theo chiều sâu, vì vậy cần có những điều kiện kinh doanh nhất định để tạo ra thị trường minh bạch. Ông Kiên cũng bày tỏ quan điểm thực hiện quốc tế hóa thị trường không có nghĩa là không có bảo hộ, nhưng bảo hộ phải được công khai, minh bạch và dự báo được hiệu quả chính sách đó. Bởi bất cứ quốc gia nào cũng phải bảo vệ lợi thế cạnh tranh của quốc gia mình.
Có thể thấy, 20 năm qua, mặc dù ngành công nghiệp ô tô được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng đến nay vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bỏ qua ngành này, bởi nước ta với quy mô 100 triệu dân thì đây là một thị trường lớn cho ngành công nghiệp ô tô và lợi ích mà ngành này mang lại sẽ là rất lớn. Nhưng để tiếp tục phát triển được hay không thì cũng không thể giải quyết chỉ bằng chính sách đưa ngành nghề này vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Nguyên nhân dẫn đến công nghiệp ô tô VN chưa phát triển được thì có nhiều nhưng một nguyên nhân cơ bản là chính sách thay đổi liên tục, quy mô thị trường còn nhỏ, giá xe quá cao với hầu hết người dân. Công nghiệp phụ trợ không phát triển cũng do thị trường nhỏ và chưa có chính sách khuyến khích các DN đầu tư.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 46 công ty sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng. Ngành công nghiệp ô tô đang đóng góp khoảng 2% cho GDP, tạo ra việc làm cho khoảng 100.000 lao động và dự kiến đến năm 2030 sẽ là khoảng 5% GDP của cả nước. Việc Chính phủ bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ giúp người bán hàng có đầy đủ thủ tục pháp lý và điều kiện để có thể bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa mỗi khi nhà sản xuất phát hiện ra lỗi trên xe. Đây cũng là một bước quan trọng để lập lại thị trường ô tô trong nước và giúp các DN sản xuất ô tô trong nước phát triển. Tuy nhiên, những điều kiện này phải được công khai minh bạch và dễ tiếp cận. Có như vậy mới có thể phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước theo quy hoạch mà Chính phủ phê duyệt trong bối cảnh thị trường sẽ được “mở toang” khi các hiệp định kinh tế đã ký kết có hiệu lực trong thời gian tới./.
Quỳnh Anh (T/h)