Theo các chuyên gia, ưu điểm chính của phương pháp RBI đó là áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu khí, hóa dầu và năng lượng. Phương pháp này đã xây dựng thành tiêu chuẩn và việc thực hiện được mô tả chi tiết trong các tiêu chuẩn API RP 580 và API RP 581. Kết quả là cung cấp tổng thể việc đánh giá và phân hạng rủi ro thiết bị của cả công trình. Lợi ích chính của phương pháp này giúp giảm chi phí vận hành, thông qua việc tập trung vào những nỗ lực kiểm định những thiết bị có rủi ro cao và sử dụng các kỹ thuật kiểm định tối ưu, giảm bớt thời gian và khối lượng kiểm định đối với những thiết bị có rủi ro thấp.
Phương pháp RBI cũng giúp người vận hành quản lý việc kinh doanh và những rủi ro liên quan đến an toàn. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp gia tăng thời gian hoạt động nhờ việc xác định giá trị rủi ro và đưa ra kế hoạch kiểm định, ưu tiên tập trung cho các thiết bị có rủi ro cao. Các tổn thất do việc dừng hoạt động đột xuất có thể được tiên đoán trước. Vì thế, việc áp dụng RBI có thể gia tăng khả năng hoạt động của thiết bị.
Chính từ những lợi ích trên, đã có nhiều nhà máy tại Việt Nam đã và đang triển khai áp dụng phương pháp này. Tại nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR), nhà thầu JGC của Nhật đã thực hiện hệ thống RBI từ năm 2009 ở 6 phân xưởng công nghệ chính bằng phương pháp định tính. Giai đoạn 2 từ năm 2013 - 2014, nhà máy thiết lập RBI cho tất cả các phân xưởng, bao gồm cả việc đánh giá, cập nhật cho 6 phân xưởng công nghệ ở giai đoạn một bằng phương pháp định lượng.
Ông Trần Anh Vũ- Phó trưởng phòng Kỹ thuật BSR cho biết, hệ thống RBI đang hoạt động ổn định, có hiệu quả. Nhân sự BSR đã nắm vững được hệ thống và đã vận hành, lập kế hoạch, nhập dữ liệu, phê duyệt và lấy thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, BSR tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho từng đối tượng trên hệ thống RBI; xây dựng quy trình vận hành hệ thống, phân tích đánh giá rủi ro cho từng đường ống/thiết bị. Đồng thời, BSR sẽ rà soát và xây dựng bổ sung vào hệ thống RBI cho hệ thống ống từ SPM vào bể chứa dầu thô, phân xưởng SRU bổ sung, Polypropylene…
Ông Võ Phụng Hoàng- Trưởng ban Kỹ thuật Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, ở giai đoạn đầu PVFCCo đã triển khai dịch vụ thuê nhà thầu đánh giá rủi ro cho 227 thiết bị. Dữ liệu sẽ được cài đặt sẵn trong phần mềm. Giai đoạn này, nhà máy tự áp dụng, tự thực hiện cho 92 thiết bị và các đường ống còn lại; triển khai kiểm tra thiết bị theo kế hoạch, cập nhật kết quả kiểm tra vào phần mềm, đánh giá lại rủi ro cho từng thiết bị. Đến thời điểm này, PVFCCo đã đánh giá và phân hạng được mức độ rủi ro của 248 hạng mục thiết bị trên tổng thể các thiết bị trong nhà máy.
Nhằm chuẩn hóa và áp dụng Hệ thống RBI trong nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, các doanh nghiệp dầu khí trong nước và đối tác của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tổ chức hội thảo Khoa học để chia sẻ kinh nghiệm, cùng đưa ra các ý tưởng cho hệ thống hoàn thiện nhất. Tại đây, BSR và PVFCCo cùng các đơn vị khác như PTSC, Velosi, Cửu Long JOC chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, vận hành RBI. Các đại biểu cho rằng, tùy tình hình hoạt động ở mỗi đơn vị mà có ứng dụng phù hợp.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử