Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết, quyết định áp thuế tự vệ với phân bón vào thời điểm này rất kịp thời và có lợi cho DN sản xuất phân bón trong nước đối với sản phẩm DAP và MAP. Theo đó, các DN trong nước sẽ chủ động nguồn cung, không phụ thuộc vào NK.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng NK phân bón các loại trong tháng 7 đạt 379.000 tấn với giá trị 96 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị NK phân bón 7 tháng năm 2017 đạt 2,75 triệu tấn và 737 triệu USD, tăng 17,8% về khối lượng và tăng 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nguồn phân bón NK chủ yếu trong 7 tháng đầu năm đến từ Trung Quốc, chiếm tới 37% tổng giá trị NK phân bón. Trước áp lực NK ngày càng tăng, việc áp thuế tự vệ với phân bón tại thời điểm này là cơ hội cho DN trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Cũng theo ông Thanh, việc áp thuế sẽ phần nào vực dậy các DN sản xuất DAP đang thua lỗ như DAP Đình Vũ (Hải Phòng), DAP 2 (Lào Cai). Đơn cử như DAP Đình Vũ, thời gian tới sẽ tập trung cắt lỗ, nếu sản xuất và tiêu thụ hết 268.000 tấn phân bón DAP.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, khi áp dụng phòng vệ thương mại sẽ bảo đảm việc chống bán phá giá của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, giúp phần nào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
Đại diện Quỹ Chống hàng giả Việt Nam cho rằng, khi áp thuế tự vệ, các nhà sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi, còn với nhà NK đương nhiên là gặp khó khăn vì giá thành đầu vào sẽ bị cao hơn. Nhưng đối tượng cần quan tâm nhất là người nông dân và cần phải tránh thiệt thòi cho đối tượng này. Bởi vậy, theo quan điểm của Quỹ, để việc áp thuế không ảnh hưởng lớn đến người nông dân, các nhà sản xuất khi được Chính phủ hỗ trợ về cơ chế chống bán phá giá cần phải giữ nguyên giá thành hoặc hạ giá cho người tiêu dùng.
Đại diện Cục Hóa chất, theo ông Nguyễn Văn Thanh, về lâu dài, việc áp thuế tự vệ tạo sự bình ổn thị trường, giúp bảo vệ các DN sản xuất phân bón trong nước và người nông dân cũng được hưởng lợi.
Ngoài ra, muốn giải quyết hài hòa lợi ích cho cả DN và nông dân, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến Luật số 71/2014/QH13. Nếu thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm từ 5% xuống còn 0%, DN có thể giảm giá bán phân bón cho người tiêu dùng 5%. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích các DN sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, chủ động nguồn cung với giá thành hợp lý. Trên cơ sở đó, sẽ giúp bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN sản xuất và quyền lợi người nông dân trước sức ép cạnh tranh từ phân bón NK.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ngoài việc áp thuế tự vệ với phân bón, có thể thực hiện 2 giải pháp song song, vừa giảm VAT về 0%, đồng thời hai nhà máy sản xuất DAP của Việt Nam phải nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm. Như vậy, cả DN và người nông dân mới có lợi ích. |
Nguồn Báo Công Thương