Với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Những nền tảng cho tăng trưởng bền vững ở châu Á – Thái Bình Dương”, bên cạnh các vấn đề tăng trưởng kinh tế, biến đổi khí hậu… Diễn đàn APEC 2016 dành sự quan tâm lớn cho nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, đây được xem là lực lượng “xương sống”, chiếm tới 97% tổng số DN APEC.
DN nhỏ – mối quan tâm lớn
Dù luôn được đánh giá cao tại các diễn đàn lớn, nhỏ nhưng theo các thành viên APEC, sự tham gia của các DNNVV của khu vực APEC vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn rất hạn chế. Thực tế, các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các phân khúc đầu vào – đầu ra, cũng như phát triển chuỗi giá trị một cách toàn diện và trong từng khâu của chuỗi.
Tuy nhiên, họ luôn gặp khó khăn trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng như thiếu vốn, trình độ quản lý và công nghệ thấp, chất lượng lao động nhiều hạn chế, nhận thức về hội nhập còn yếu và thiếu…
Thực tế này cũng đang xảy ra với các DNNVV ở VN. Đơn cử như ngành dệt may, một ngành có đóng góp lớn cho XK ở VN, hiện có khoảng 6.000 DN đang hoạt động nhưng đa số các DN vẫn là DNNVV, mức độ liên kết và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn hạn chế.
Tại một hội thảo APEC về tăng cường sự tham gia của DNNVV trong chuỗi giá trị ngành dệt may cách đây không lâu, ông Phan Thế Vịnh – Giám đốc Cty cổ phần may nông nghiệp cho biết, các DN dệt may chủ yếu tham gia công đoạn gia công, nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu. Trong khi đó, DN dệt chưa đáp ứng được yêu cầu cao của đối tác nước ngoài hoặc nếu sản xuất được phụ liệu thì giá thành cao. Thành ra, DN dệt may rất lúng túng trong khâu sản xuất.
“Chúng tôi mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho DN sản xuất được nguyên phụ liệu đầu vào như vải, đảm bảo chất lượng và giá thành, hạn chế nhập vì nhập từ nước ngoài về, kể cả như khuy, cúc… sẽ hạn chế giá trị gia tăng” – ông Vinh nói.
VN với vai trò là một thành viên có trách nhiệm trong APEC, gần đây VN đã phối hợp với các đối tác để nghiên cứu về sự tham gia của các DNNVV vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngay trong ngành dệt may, VN đã phối hợp với các nền kinh tế APEC như: Trung Quốc, Indonesia, Mexico… và thấy rằng, bên cạnh những chính sách chung của APEC, mỗi nước đều có những cách riêng để hỗ trợ nhóm DN nhỏ.
Chẳng hạn ở Indonesia, nước này đã có chính sách hỗ trợ các DN đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu; vay vốn ngân hàng; quy hoạch logistic, cảng kho bãi; định hướng sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước; đồng thời áp dụng công nghệ để sản xuất các sản phẩm giá trị cao…Vì vậy, Indonesia được đánh giá là một trong những nước nhiều kinh nghiệm hỗ trợ DN nhỏ trong APEC.
Hướng tới APEC Việt Nam 2017
Đem những mối quan tâm hàng đầu của khu vực DNNVV của APEC nói chung và VN nói riêng đến tham dự APEC năm nay, đoàn VN do Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu cấp cao của VN có nhiều đóng góp tích cực cho diễn đàn. Đặc biệt là 4 ưu tiên chính về liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực khu vực, hiện đại hóa DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phát triển vốn nhân lực – Đây là những nội dung xuyên suốt mà chủ nhà Peru cùng 20 nền kinh tế thành viên còn lại thúc đẩy trong cả năm APEC 2016.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, APEC 2016 có ý nghĩa quan trọng bởi 2016 là năm đầu tiên APEC triển khai nhiều chiến lược dài hạn liên quan đến tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ và hợp tác dịch vụ, rà soát giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư đến năm 2020…
APEC hiện có khoảng 2,8 tỷ dân, chiếm cho 57% GDP của thế giới và 49% kim ngạch thương mại toàn cầu. Vì vậy, những nỗ lực của VN và các thành viên APEC trong việc tìm kiếm sự thúc đẩy tự do thương mại, trong đó tập trung tạo thuận lợi cho các DN, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các DN phát triển bền vững, mang lại sự thịnh vượng cho cả khu vực APEC.
Nguồn Enternews