Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/6/2015, khu vực ASEAN có 2.632 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 54,6 tỷ USD. Như vậy, bình quân một dự án của các nước thuộc ASEAN là 20,7 triệu USD, cao hơn 6,8 triệu USD so với bình quân một dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, các doanh nghiệp (DN) Singapore dẫn đầu với 1.428 dự án, tổng vốn đầu tư là 32,2 tỷ USD, chiếm 60,8% tổng vốn đăng ký.
Đứng thứ 2 là DN của Malaysia với 499 dự án, tổng vốn đăng ký là 12,06 tỷ USD, chiếm 22,1% và đứng thứ 3 là các DN Thái Lan, với 392 dự án, tổng vốn đầu tư là 6,8 tỷ USD, chiếm 12,5%.
Vốn FDI khu vực ASEAN đầu tư tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 1.009 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 22,2 tỷ USD, chiếm 40,8% vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 97 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký với 16,6 tỷ USD, chiếm 30,4%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 175 dự án đầu tư đăng ký và tổng vốn đầu tư 3,24 tỷ USD, chiếm 5,9%.
Các dự án FDI của khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.962 dự án, tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là hình thức liên doanh với 609 dự án, tổng vốn đầu tư là 18 tỷ USD, chiếm 33% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ 3 là hình thức công ty cổ phần với 34 dự án, tổng vốn đầu tư là 941,3 triệu USD. Số còn lại theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh 26 dự án và 1 dự án thuộc hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 55 tỉnh, thành phố được các DN thuộc ASEAN đầu tư thì TPHCM dẫn đầu với 1.144 dự án và tổng số vốn đăng ký là 15,07 tỷ USD chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ 2 là Hà Nội với 417 dự án, tổng vốn đăng ký là 8,58 tỷ USD chiếm 15,7%. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đứng vị trí thứ 3 với 67 dự án với tổng số vốn đăng ký là 6,19 tỷ USD chiếm 11,3%.
Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2015, các DN Đài Loan (Trung Quốc) có 42 dự án FDI cấp mới và 21 lượt dự án tăng vốn tại Việt Nam. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 287,41 triệu USD.
Dự án tiêu biểu của Đài Loan vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay là dự án Công ty TNHH Fuhua - chi nhánh tại KCN Bình Xuyên II, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 28,5 triệu USD. Dự án xây dựng nhà xưởng tiêu chuẩn để bán và cho thuê.
Như vậy, tính lũy kế đến tháng 6/2015, Đài Loan có 2.429 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 28,74 tỷ USD, xếp thứ 4 trong tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Mặc dù các nhà đầu tư Đài Loan có mặt tại Việt Nam từ những năm 1988, có số dự án tương đối lớn, nhưng quy mô đầu tư trung bình của Đài Loan ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 11,83 triệu USD/dự án. Trong khi đó, mức trung bình của các dự án nước ngoài tại Việt Nam hiện nay khoảng 13,9 triệu USD/dự án.
Cũng giống như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đầu tư của DN Đài Loan chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.888 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 23,65 tỷ USD (chiếm 82,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam).
Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 26 dự án cùng tổng vốn đăng ký đạt gần 1,73 tỷ USD (chiếm hơn 6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Ngành xây dựng đứng thứ 3 với 111 dự án, đạt 1,56 tỷ USD (chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam).
Các dự án của Đài Loan đã hiện diện tại 55 địa phương (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi). Phần lớn các dự án tập trung tại Hà Tĩnh và các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM...
Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 10,31 tỷ USD (chiếm 35,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Đồng Nai đứng thứ 2 với 339 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 4,88 tỷ USD (chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam).
Một số dự án lớn khu vực ASEAN đầu tư tại Việt Nam
Dự án Cty TNHH phát triển Nam Hội An (Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An) với tổng đầu tư là 4 tỉ USD do nhà đầu tư CTLD đầu tư Genting VinaCapital (Genting VinaCapital Investment Pte.Ltd) - Singapore đầu tư được cấp phép năm 2010.
Dự án Công ty TNHH MTV đô thị ĐH quốc tế Berjaya Việt Nam xây dựng khu đô thị ĐH quốc tế với tổng đầu tư là 3,5 tỷ USD do nhà đầu tư Công ty Berjaya Leisure (Cayman) Ltd Malaysia đầu tư này được cấp phép năm 2008 tại TPHCM. |
Dự án Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn với tổng đầu tư là 3,7 tỷ USD, nhà đầu tư Thai Plastic and Chemicals Public Co liên doanh với Vina SCG chemicals Co Ltd; đầu tư được cấp phép năm 2008.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ