Theo đó, ngày 7/8/2017, sau 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã ra thông báo chống bán phá giá số 2017/113 tạm thời về việc chưa áp dụng biện pháp chống bán phá giá sơ bộ đối với sản phẩm dây thép dạng cuộn (mã HS: 7213.91.00; 7227.90.90) nhập khẩu từ Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam.
Theo quy định, sau 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra, ADC sẽ hoặc ra quyết định sơ bộ khẳng định (Preliminary Affirmative Determinations-PAD) từ đó áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, hoặc ra thông báo (Status Report) nêu rõ lý do không đưa ra PAD.
Trong vụ việc này, sau khi xem xét đơn kiện, các thông tin thu được và các bản trả lời câu hỏi điều tra của các bên liên quan, ADC nhận thấy chưa có đủ bằng chứng chứng minh hàng hóa liên quan nhập khẩu từ ba nước nêu trên vào Australia bị bán phá giá và mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá này với thiệt hại đáng kể đối với ngành công nghiệp dây thép dạng cuộn Australia, do vậy ADC đã không đưa ra PAD. Tuy nhiên, ADC sẽ xem xét lại liệu có đưa ra PAD hay không trước khi công bố Bản dữ liệu trọng yếu (SEF) hoặc nêu tại bản dữ liệu trọng yếu (dự kiến SEF sẽ được ban hành vào ngày 25/9/2017).
Nguyên đơn là Công ty OneSteel. Giai đoạn điều tra bán phá giá từ ngày 1/4/2016 – 31/3/2017; và giai đoạn điều tra thiệt hại từ1/1/2013 đến nay.
Biên độ bán phá giá theo ADC dự tính (theo các thông tin ban đầu): đối với sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam 20,9%; từ Indonesia là: 29,8%; từ Hàn Quốc là: 20,9%.
ADC sẽ ban hành bản dữ liệu trọng yếu (Statement of Essential Facts) vào ngày 25/9/2017 và các bên liên quan sẽ có 20 ngày để bình luận.
Báo cáo về khuyến nghị của ADC sẽ được gửi tới người có thẩm quyền (Parliamentary Secretary): trước hoặc vào ngày 9/11/2017 (hoặc có thể được gia hạn). Parliamentary Secretary phải ra quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về khuyến nghị của ADC (hoặc được gia hạn).
Nguồn Thời báo Kinh doanh