Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia yêu cầu các lô hàng tôm và sản phẩm tôm phải giữ được nguyên vẹn niêm phong tại các kho hàng kiểm soát nhiệt độ (Class 2.5) đã được bố trí trong khi chờ kiểm tra hoặc lấy mẫu khi hàng đến Australia. Để đảm bảo các kho hàng này được trang bị đầy đủ phục vụ cho các hoạt động lấy mẫu và kiểm tra an toàn và hiệu quả thì các đối tượng liên quan đến an toàn sinh học cần tuân thủ các yêu cầu bổ sung đối với khu vực kiểm tra an toàn sinh học, đó là khu vực này cần phải có một buồng kiểm tra có diện tích tối thiểu 1m2 và cao từ 90cm - 1m; buồng kiểm tra có cường độ ánh sáng tối thiểu là 400 lux; phạm vi nhiệt độ trên -10oC.
Kể từ ngày 4/12/2017, chỉ những đối tượng liên quan đến an toàn sinh học đã được đánh giá là đáp ứng các yêu cầu bổ sung như trên, mới được nhận các lô hàng tôm và sản phẩm tôm nhập khẩu. Việc tuân thủ các yêu cầu bổ sung sẽ được đánh giá thông qua việc khảo sát thực tế theo thời gian thỏa thuận và yêu cầu từ các đối tượng liên quan đến an toàn sinh học.
Trước đó, vào ngày 9/1/2017, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland. Dù lệnh cấm này đã được dỡ bỏ từ ngày 6/7/2017 nhưng lượng tôm chưa nấu chín nhập khẩu vào Australia vẫn khiêm tốn. Nguyên nhân là bởi hiện Chính phủ Australia đã nới lỏng lệnh cấm và cho phép nhập khẩu tôm trở lại thị trường này, tuy nhiên các điều kiện nhập khẩu khắt khe hơn trước.
Việt Nam hiện là một trong 4 nhà cung cấp thủy hải sản lớn nhất cho thị trường Australia (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chỉ chiếm 11,2% thị phần nhập khẩu tại thị trường này. Trong nhóm thủy hải sản, tôm là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất. Có 8 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín vào Australia.
Nguồn Báo Công Thương