Sau hành trình dài, Việt Nam đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường Australia cho vải thiều (từ tháng 5/2015) và xoài (tháng 9/2016), tạo thêm “sân chơi” cho các loại trái cây tươi trong nước.
Sau khi mở cửa thị trường Australia cho vải thiều và xoài, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở đường cho một số loại quả tươi (thanh long, chôm chôm, vú sữa, nhãn…) của Việt Nam vào thị trường nước này.
Giàu tiềm năng
Thanh long, mặt hàng chủ lực của xuất khẩu trái cây Việt Nam, với kim ngạch hơn 895 triệu USD năm 2016, được kỳ vọng sẽ là mặt hàng tiếp theo “chạm ngõ” thị trường Australia khi các thủ tục nhập khẩu đang được xúc tiến hoàn tất. Kể từ đầu năm 2017, Australia đã đồng ý về nguyên tắc cho phép nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại của Việt Nam, với điều kiện phải đáp ứng được những điều kiện về an toàn sinh học.
Ngày 15/6/2017, sau cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Du lịch & Đầu tư Australia bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 23, phía Australia đã có công thư hồi đáp Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cập nhật về công tác mở cửa thị trường với thanh long tươi Việt Nam và đề xuất được hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng phương pháp chiếu xạ cho quả thanh long tươi khi xuất khẩu sang Australia.
Không chỉ thuận lợi về xúc tiến thương mại, sự ủng hộ của người tiêu dùng tại Australia, nhất là cộng đồng người Việt tại Australia, cũng là lợi thế không nhỏ của trái cây tươi Việt Nam ở quốc gia này. Hiện ở Australia có khoảng 300.000 người Việt Nam sinh sống.
Điển hình như quả vải thiều, hiện được tiêu thụ chủ yếu ở ba thành phố lớn là Sydney,_Melbourne và Brisbane. Anh Hải Minh – một người Việt sống ở Sydney – cho biết: “Dù giá vải ở Australia khá cao, khoảng 19 – 21 AUD/kg (xấp xỉ 400.000 đồng/kg), nhưng đây vẫn là thứ quả được nhiều người Việt ở Australia mong đợi. Được thưởng thức trái cây quê nhà ngay tại siêu thị nước ngoài là một niềm hạnh phúc khó tả”.
Chị Thu Huyền – một người Việt sống tại Melbourne – chia sẻ: “Melbourne có ba chợ Việt lớn, cũng là ba khu người Việt có tiếng, gồm Springvale, Footscray và North Richmond. Hầu hết mọi người đều có chung niềm tự hào khi thấy quả vải Việt Nam xuất hiện ở các cửa hàng, siêu thị tại Australia, nên mọi người đều hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm”.
Cần khai phá
Thực tế, Australia là thị trường tiềm năng nhưng rất “khó tính”. Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, vượt qua hàng rào kỹ thuật để “mở cửa” thị trường Australia là thách thức lớn của trái cây tươi Việt Nam. Quá trình đàm phán để đưa một loại trái cây sang Australia thường gặp nhiều khó khăn và kéo dài 5 – 10 năm. Minh chứng là trái vải phải mất 12 năm, trái xoài mất hơn 7 năm.
Ông Craig Chittick – Đại sứ Australia tại Việt Nam – nhấn mạnh: “Australia rất mong đợi để nhập khẩu các loại trái cây tươi từ Việt Nam. Tuy nhiên, an toàn sinh học là một vấn đề quan trọng với Australia. Để vào được thị trường Australia, trái cây nhập khẩu phải trải qua nhiều quy trình, giải pháp để đánh giá về mức độ an toàn, chất lượng nhằm phòng chống dịch bệnh”.
“Đơn cử như với quả thanh long, chúng tôi có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ NN&PTNT Việt Nam, tiến hành khảo sát trực tiếp tại những vùng trồng thanh long để đánh giá về định mức an toàn của quả thanh long tại Việt Nam”, ông Craig Chittick cho hay.
Vì vậy, nhằm mở đường cho thanh long Việt sang Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã tiến hành nghiên cứu thị trường, thị hiếu, tiêu chuẩn, quy định chất lượng, phương thức tiếp cận mạng phân phối… của thị trường Australia để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đón đầu cơ hội xuất khẩu thanh long ngay sau khi tiếp cận được thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – đại diện thương mại Việt Nam tại Australia – cho biết: “Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với Hiệp hội Xuất khẩu hoa quả, Hiệp hội các nhà bán lẻ và những doanh nghiệp Việt kiều lớn tại Australia nhằm triển khai các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương như tổ chức ‘Ngày vải thiều Việt Nam’ tại Melbourne, ‘Tuần vải thiều Việt Nam’ tại Sydney, vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’…”.
Hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang tích cực tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn lớn của Australia để chuyển giao công nghệ chế biến, công nghệ tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ giống… cho các nhà sản xuất trái cây trong nước, nhằm nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng của trái cây Việt Nam.
Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng được tạo điều kiện tham gia trực tiếp những mạng phân phối bán buôn, bán lẻ của Australia, góp phần đưa hàng nông thủy sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Nguồn Thời báo Kinh doanh