Tham dự tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu đại diện các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đại diện một số địa phương, một số tổ chức quốc tế, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại châu Âu; Các viện nghiên cứu, trường đại học: Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học Kinh tế Quốc dân và một số đại học khác; đại diện các công ty luật, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia về luật và kinh tế.
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gồm 3 nhóm: Điểm nghẽn trong ngắn hạn gồm bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng lãng phí, tham nhũng, một số chính sách về đất đai chưa phù hợp thực tiễn và chi phí tài chính cao; điểm nghẽn trung hạn gồm rủi ro kinh tế vĩ mô và rủi ro thể chế vi mô; điểm nghẽn trong dài hạn gồm kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Từ đó, kết quả nghiên cứu cho rằng vai trò của Nhà nước là tác nhân chính đưa ra tầm nhìn đúng đắn cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ chế và chính sách linh hoạt, thu hút và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn này.
Nghiên cứu cũng cho thấy, tiềm năng sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới được khuyến nghị ở các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao như máy móc, điện tử. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn cần chú trọng vào ngành sản xuất và xuất khẩu truyền thống như cây trồng, vật nuôi hay may mặc, da giày, khai khoáng nhưng theo hướng đa dạng hóa và ưu tiên sản phẩm thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương - Cao Đức Phát, những kết quả thảo luận tại buổi tọa đàm sẽ giúp cho nhóm chuyên gia nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện báo cáo “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam”, nhằm đưa ra các giải pháp khai thông các điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; Năng lực sản xuất của Việt Nam trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhằm cải thiện cơ cấu nền kinh tế để duy trì tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Nguồn Báo Công Thương