Thứ Sáu, 22/11/2024 12:33:41 GMT+7
Lượt xem: 3159

Tin đăng lúc 26-02-2019

Ba lá quốc kỳ bên hồ Gươm

Những ngày này, bên hồ Gươm trong hương xuân vẫn còn đượm, tung bay 3 lá quốc kỳ trên một điểm cờ. Ở giữa là quốc kỳ Việt Nam - nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ cùng nhịp sóng bay với quốc kỳ Triều Tiên và Hoa Kỳ.
Ba lá quốc kỳ bên hồ Gươm
Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ và Triều Tiên tại Hà Nội thu hút sự quan tâm lớn của dư luận

Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam tò mò hỏi, các bạn Việt Nam có bất ngờ không, có ngỡ ngàng không trước khung cảnh cờ bay đó. Câu trả lời là rõ ràng, nếu ai đó hiểu được huyền tích hồ Gươm thì không khó để hiểu rằng, đó là logic của dòng chảy thời gian, của dòng chảy thời đại, khi khát vọng của hòa bình, của thịnh vượng cuối cùng cũng đã có chỗ.


Huyền tích hồ Gươm kể rằng, sau ngót mười năm nằm gai nếm mật, vua Lê Lợi cùng các tướng lĩnh đã giành lại độc lập cho đất nước. Và chính tại hồ này vốn là nơi đượm màu của chiến trận, Rùa thần đã yêu cầu vua Lê hoàn lại gươm báu được trao tận tay vua thuở trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh giải phóng. Một huyền tích không thể nào đẹp hơn cho khát vọng hòa bình của một đất nước, một dân tộc và một thời đại.

 

Vào ngày 27 và 28/2/2019, Tổng thống Donald J. Trump sẽ gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh này nhằm đạt được tiến bộ hơn nữa về các cam kết mà hai nhà lãnh đạo đã thực hiện ở Singapore: chuyển đổi các mối quan hệ, một nền hòa bình lâu dài và ổn định, và phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

 

Các chuyên gia nhìn nhận sự phát triển kinh tế mạnh mẽ dưới thời Chủ tịch Kim đóng vai trò cốt lõi trong tầm nhìn của Tổng thống Trump về một tương lai tươi sáng cho các mối quan hệ Hoa Kỳ - Triều Tiên.

 

Có một mẫu số chung giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mà ít người để ý đó là mong muốn dân tộc mình, quốc gia mình trở nên mạnh mẽ, vĩ đại trong những bối cảnh mới. Đây hẳn là lý do mà hai nhà lãnh đạo này trên đoàn tàu đi về phương Nam của ông Kim Jong-un và chuyến bay về phương Đông của ông Donald Trump bên cạnh những hồ sơ thường thấy lâu nay như giải trừ vũ khí hạt nhân, tháo bỏ cấm vận là những hồ sơ về hòa bình, phát triển và tăng trưởng kinh tế.

 

Về nguyên tắc, Hoa Kỳ và Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh bởi giữa hai bên chỉ là một biên bản đình chiến từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Vẫn còn đó tình trạng nghi kỵ, thiếu tin tưởng lẫn nhau cùng những tiếng nói không hài lòng với việc diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh này. Nhưng rất có thể tại Hà Nội lần này, Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ ra được tuyên bố Hà Nội, chấm dứt tình trạng chiến tranh để tạo dựng niềm tin giữa hai quốc gia, tạo căn bản cho một không gian thịnh vượng trong quan hệ giữa hai nước. Đó chính là điều được dư luận trông đợi lâu nay.

 

Trong một dòng tweet của mình, ông Trump đã viết, hy vọng Triều Tiên sẽ trở thành một tên lửa khác, một tên lửa về kinh tế. Một cuộc gặp thượng đỉnh có thể không giải quyết hết được mọi bất đồng, hóa giải mọi lời nguyền. Nhưng việc các nhà lãnh đạo bắt tay nhau để mở ra một chương mới cho phát triển sẽ không bao giờ là muộn.

 

Và Hà Nội, thành phố của hòa bình-là nơi phù hợp để điều đó diễn ra. Giống như những sóng bay của 3 lá quốc kỳ bên hồ Gươm đã sớm báo hiệu câu chuyện hòa bình mới giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ.

 

Nguồn Congthuong


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang