Theo thống kê, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 8.492 ha. Trong đó, có 13/15 KCN đang hoạt động với tổng diện tích là 7.242,64ha, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 45.000 m3/ngày đêm.
Ưu tiên nền công nghiệp “xanh”
Hơn 30 năm qua, ngành công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh xác định phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng theo hướng một nền công nghiệp “xanh”.
Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kể từ tháng 9/2014, tỉnh luôn kiên trì định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, phát huy triệt để các tiềm năng và lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, với việc luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào các KCN, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn kiên định với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc. Ngoài việc chú trọng về quy mô, ngành nghề, khả năng phát triển của dự án, tỉnh còn tập trung vào các tiêu chí đánh giá chất lượng của dự án, bảo vệ môi trường, sử dụng ít năng lượng… Bà Rịa - Vũng Tàu sẵn sàng từ chối các dự án hàng tỷ USD nếu không bảo đảm yếu tố bền vững, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Các KCN sẽ ưu tiên thu hút các dự án lớn, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ; hình thành các trung tâm logistics. Tỉnh cũng đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với các đường quốc lộ, các đường vành đai của khu vực và sân bay Long Thành để tạo chân hàng vững chắc, khai thác ưu thế vượt trội của tỉnh về cảng nước sâu. Hiện tại, tỉnh đang trên lộ trình xây dựng KCN kiểu mẫu, triển khai các chương trình của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng KCN kiểu mẫu/ KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành KCN tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” với viện trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Triết, chính sách thu hút đầu tư vào các KCN không thể thiếu công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo mọi điều kiện để huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Bằng mọi giải pháp, Bà Rịa – Vũng Tàu thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân; lắng nghe, cầu thị để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong KCN nhanh chóng, kịp thời.
Hạ tầng sẵn sàng đón nhà đầu tư
Tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ), hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Ông Choi Heung Yeon - Phó TGĐ Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cho biết, KCN này chỉ thu hút các dự án sản xuất sạch, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đến nay, KCN đã thu hút 12 dự án của Nhật Bản, 3 dự án của Hàn Quốc, 4 dự án của Việt Nam và 1 dự án liên doanh giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: nội thất, đồ gỗ, hóa chất, sản xuất giấy bìa… Tất cả đều là dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường, là một điển hình cho mục tiêu trong lựa chọn thu hút đầu tư mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiên định theo đuổi trong nhiều năm qua.
Hiện nay, KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng của giai đoạn 1 (376ha) và đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 với diện tích khoảng 450 ha. Trong đó, hệ thống cung cấp điện, nước, xử lý nước thải, gas… đã được đưa đến hàng rào nhà máy để phục vụ hoạt động cho dự án. KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cũng đang thực hiện các dự án cảng cạn Phú Mỹ, sân golf và tiếp tục chào đón nhiều nhà đầu tư đến từ: châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Tân, Phó TGĐ Công ty CP Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư KCN Sonadezi Châu Đức cho biết, với quy mô diện tích 2.287 ha, hạ tầng kỹ thuật trong KCN Sonadezi Châu Đức hiện đã được đầu tư bài bản, đồng bộ với hệ thống giao thông thuận lợi; mạng lưới thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước sạch, xử lý nước thải, PCCC đều được bố trí liên hoàn, đầy đủ.
Định hướng thu hút đầu tư của KCN gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Do đó, Sonadezi Châu Đức dự kiến đầu tư 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất khoảng 45.000m3/ngày đêm. Hiện, KCN đang vận hành một nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.500m3/ngày đêm. KCN này cũng đã đưa sân Golf đi vào hoạt động và đang xây các shophouse, triển khai khu dân cư kề cận KCN… phục vụ tối ưu nhất cho các chuyên gia, người lao động và dân cư quanh KCN.
Từ góc độ của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc phát triển mảng xanh trong KCN đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của cả chủ đầu tư phát triển hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp. Ngoài làm sạch môi trường, giảm lượng CO2 phát sinh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, điều này còn có tác động tích cực tới tâm lý của người lao động, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Theo Diendandoanhnghiep.vn