Thứ Bẩy, 23/11/2024 00:02:45 GMT+7
Lượt xem: 4335

Tin đăng lúc 07-05-2016

Ba vấn đề các doanh nghiệp cá da trơn của Việt Nam cần quan tâm khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Thời gian qua, có nhiều thông tin về việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đưa ra những quy định mới về các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong đó có Việt Nam, đã khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hết sức lo lắng. Bởi cho đến lúc này, các cơ quan chức năng nhà nước vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, khiến nhiều ý kiến quan ngại về việc ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu cá da trơn và đây là một mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam.
Ba vấn đề các doanh nghiệp cá da trơn của Việt Nam cần quan tâm khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Chế biến cá tra xuất khẩu

Vậy cụ thể thì sự ảnh hưởng này tới các doanh nghiệp của Việt Nam như thế nào và các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải làm gì vào lúc này?

 

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thì từ ngày 1/3/2016 quy định cuối cùng về chương trình kiểm soát chất lượng về cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đối với các nước trong đó có Việt Nam có hiệu lực. 18 tháng sau đó, là khoảng thời gian các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi các quy trình sản xuất mới theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Ngày 1/9/2017, toàn bộ quy trình sản xuất cá da trơn Việt Nam phải được chứng minh tương đồng với tiêu chuẩn mới của Mỹ và thay cho quy chuẩn trước đó của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Hoa Kỳ. Trong khi, quy chuẩn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chỉ tập trung vào nhà máy chế biến thì quy chuẩn mới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dài gấp 3 - 4 lần, quy định cụ thể từ con giống, ao nuôi, nhà máy và thậm chí đến nhãn mác. Liên quan đến quy định này, cách đây không lâu, đại diện Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ đã có cuộc họp với các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm đưa ra các thông tin triển khai cụ thể hơn và tại cuộc họp này thì đại diện của Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ cũng chia sẻ việc áp dụng tiêu chuẩn mới theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ gây áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam.

 

Qua tìm hiểu được biết, hiện có hàng chục doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đang khá lo lắng trước những quy định cuối cùng đối với cá da trơn Việt Nam, vì theo quy định này quá trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá da trơn của các doanh nghiệp phải được kiểm tra theo đúng quy chuẩn hay tương đồng với các quy trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất chế biến tại Hoa Kỳ. Theo ông Nguyễn Phước Bửu Huy – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất khẩu Thủy sản CADOVIMEX II: “Theo lộ trình của quy định mới của Hoa Kỳ thì phía Công ty chúng tôi rất lo lắng vì khi áp dụng trong thời gian quá ngắn (tới tháng 3/2016) thì một số doanh nghiệp nước ta sẽ không thể hiểu hết những thủ tục”. Còn đại diện Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho hay, đối với các mặt hàng khác như thịt lơn và thịt sản phẩm da cầm xuất khẩu vào Hoa Kỳ thì việc xem xét các quy chuẩn tương đồng cho các nước được phép xuất khẩu phải mất ít nhất là 8 năm. Nhưng đối với sản phẩm cá da trơn thì thời gian chuyển đổi này ngắn hơn đến 4 lần, chỉ vỏn vẹn có 2 năm.

 

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam vẫn chưa tiếp cận hết được các quy định hiện hành của luật mới. Do đó, trong thời gian tới, Hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ tập trung làm công tác trao đổi về các vấn đề mới, khác biệt liên quan giữa những quy định cũ và quy định mới”.

 

Đại diện Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ chia sẻ, quy định cuối cùng này là rất khắt khe đối với việc sản xuất và xuất khẩu cá da trơn đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Điều cần làm đối với các doanh nghiệp Việt Nam là tập trung vào chất lượng cá da trơn xuất khẩu. Theo ông John Connelly – Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ: “Các doanh nghiệp cần phải đảm bảo đượcdư lượng kháng sinh, vi sinh đối với các mặt hàng này. Chính phủ Việt Nam trong thời gian này cũng cần phải hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm tra lại toàn bộ quy trình sản xuất từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Các các doanh nghiệp Việt Nam cần có các chuyên gia, luật sư thương mại để tham gia tư vấn thêm”. Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2015, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 260 triệu USD, nhưng chưa đầy hai năm nữa, nếu không chuyển đổi và đáp ứng được những quy chuẩn mới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về xuất khẩu cá da trơn thì thị trường hàng trăm triệu USD này có nguy cơ tuột khỏi tay các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Được hỏi về việc tại sao thời điểm này lại là thời điểm Hoa Kỳ đưa ra quy định này và nó sẽ có tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam? Ông Nguyến Hữu Dũng cho biết, tại thời điểm này chúng ta đang hướng tới TPP, TPP sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho việc trao đổi hàng hóa. Đại diện cho nhóm lợi ích của Hiệp hội chủ trang trại cá nheo Hoa Kỳ họ tiếp tục có những hoạt động mang tính cản trở việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Chính vì vậy, họ đã đề xuất về quy định này trước khi TPP có hiệu lực. Khi luật xuất khẩu cá da trơn vào thị trường Hoa Kỳ có hiệu lực (1/9/2017), thì tất cả các chi tiết của quá trình sản xuất sản phẩm cá da trơn của Việt Nam đều phải tương đồng với hệ thống sản xuất của Hoa Kỳ. Không chỉ ở cấp độ sản xuất mà cấp độ quản lý nhà nước cũng phải ở mức tương đồng. Từ trang trại, con giống, thức ăn, quy trình nuôi, quy trình mổ, quy trình chế biến, dán nhãn, phân phối, vận chuyển cá đều phải tuân theo các quy định của Hoa Kỳ. Cùng với đó là việc kiểm soát của các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng phải tuân theo sự tương tự của cơ quan kiểm soát Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá da trơn trong nước. Đây chính là những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

 

 

Trại nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

 

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam, trước hết, phải tìm hiểu chi tiết về các quy định của Hoa Kỳ trong tất cả các khâu trong chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, vận chuyển, chế biến và phân phối, áp dụng đúng các quy định đó trong điều kiện của mình. Thứ hai, các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam mà trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hợp tác với phía Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để có thể hiểu rõ và chi tiết các quy định của họ và thảo luận những điểm tương đồng dựa trên các quy định của WTO. Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam phải hợp tác với các khách hàng, đối tác phía Hoa Kỳ để chúng ta có thêm thông tin cũng như điều kiện để vượt qua thách thức này.

 

Cuối cùng, các doanh nghiệp phía Việt Nam cần phải làm việc với các Luật sư về thương mại cả trong nước lẫn quốc tế để chúng ta có thể đáp ứng tốt những yêu cầu của phía Hoa Kỳ.

 

Tuấn Anh 


Tag:cá tra

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang