Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, ngoài việc xuất hiện không khí lạnh, vùng núi phía Bắc cũng là nơi rất dễ xảy ra dông sét, gió giật do sự tranh chấp giữa 2 khối khí nóng và lạnh trong giai đoạn giao mùa này. Nắng nóng được dự báo sẽ giảm, chỉ xảy ra ít ngày ở Bắc Bộ.
Tuy nhiên, ở Trung Bộ, nắng nóng vẫn có thể xuất hiện trên diện rộng. Dự báo sẽ có 2 – 3 đợt nắng nóng nữa. Cường độ cũng như đợt này, không quá gay gắt. Nhiệt độ cao nhất từ 35 – 37 độ C.
Về tình hình lũ năm 2020, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đỉnh lũ trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, cao hơn năm 2019, riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.
Trong khi đó, đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cũng có khả năng ở mức cao hơn năm 2019. Đỉnh lũ năm 2020, tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Tại Nam Bộ, lũ trên sông Mê Công đến muộn, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mê Công có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 15-30%.
Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1 – BĐ2, và có thể xuất hiện vào cuối tháng 9. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.
Trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn TBNN, nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019-2020.
Theo moitruong.net