Nhà máy “đắp chiếu”, xây dựng nhiều năm chưa hoàn thành
Bắc Cạn có hai nhà máy luyện chì kim loại, Nhà máy luyện chì Bắc Cạn đặt tại huyện Chợ Đồn và Nhà máy luyện chì Ngân Sơn đặt tại Ngân Sơn, mỗi nhà máy có năng lực sản xuất năm nghìn tấn chì/năm. Nếu hoạt động đều, mỗi năm hai nhà máy này có doanh thu khoảng 500 tỷ đồng, giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 300 lao động, nộp ngân sách cho tỉnh từ 50 đến 60 tỷ đồng (bằng khoảng 10% tổng thu ngân sách trên địa bàn).
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, cả hai nhà máy này đều “đắp chiếu”. Nguyên nhân chủ yếu là do, Nhà máy luyện chì Bắc Cạn thiếu nguyên liệu, đặc biệt là nằm ở khu vực CT229 (khu vực quốc phòng, an ninh), chuyên gia nước ngoài không được làm việc tại khu vực này. Không có chuyên gia nước ngoài tư vấn nên nhà máy này không hoạt động được. Nhà máy luyện chì Ngân Sơn thiếu vốn, thiếu nguyên liệu nên “đắp chiếu” từ nhiều năm nay.
Nhà máy sắt xốp Bắc Cạn tại Khu công nghiệp Thanh Bình có công suất 100 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, hoạt động từ năm 2013, đến đầu năm 2016 thì ngừng sản xuất, vì giá sắt xốp xuống thấp, thua lỗ.
Nhà máy điện phân chì - kẽm Bắc Cạn do Công ty TNHH Ngọc Linh làm chủ đầu tư, xây dựng tại huyện Chợ Đồn từ năm 2008, đến nay chưa thể hoàn thành. Phó Giám đốc Công ty Vũ Minh Ngọc cho biết: Đến nay, công ty đã đầu tư tổng số gần hai nghìn tỷ đồng cho nhà máy, trong đó đã nhập hơn 80% thiết bị. Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để hoàn thiện nhà máy, do chưa được cấp mỏ nên ngân hàng không tiếp tục giải ngân, không có vốn thì không thể hoàn thiện được nhà máy trong thời gian tới.
Ngành khai thác, chế biến khoáng sản ở Bắc Cạn có quy mô nhỏ, bốn nhà máy nêu trên đều là những nhà máy chế biến khoáng sản chủ yếu trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này. Thời gian qua và đến nay cả bốn nhà máy này đều trong tình trạng “đắp chiếu”, chưa biết đến khi nào mới xây dựng hoàn thành cho thấy bức tranh ảm đảm của ngành chế biến khoáng sản trên địa bàn. Điều này dẫn đến không giải quyết được việc làm cho người lao động, tỉnh không có nguồn thu ngân sách.
Góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thời gian vừa qua, đặc biệt là gần đây Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã làm việc với từng doanh nghiệp, nhà đầu tư, lắng nghe những khó khăn đối với từng nhà máy để có giải pháp cụ thể. Đối với Nhà máy luyện chì Bắc Cạn, tỉnh sẽ làm các thủ tục pháp lý để thời gian tới cấp mỏ Bó Nặm nhằm giúp nhà máy có đủ nguyên liệu hoạt động; đồng thời tỉnh làm việc với cơ quan có thẩm quyền để cho phép chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại nhà máy trong thời gian nhất định, với sự giám sát chặt chẽ để chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm cho cán bộ của chủ đầu tư nhà máy. Nếu các cấp có thẩm quyền chấp thuận đề nghị của tỉnh, Nhà máy luyện chì Bắc Cạn sẽ hoạt động trở lại từ tháng 8- 2017.
Để tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, tỉnh Bắc Cạn yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn cung cấp tinh quặng chì cho Nhà máy luyện chì Ngân Sơn. Nhà máy thiếu vốn lưu động, tỉnh giới thiệu nhà đầu tư hợp tác với Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico có đủ vốn để đưa Nhà máy luyện chì Ngân Sơn vận hành ổn định từ tháng 7- 2017.
Lãnh đạo Công ty TNHH Ngọc Linh cho biết, công ty còn thiếu khoảng 150 tỷ đồng để hoàn thiện nhà máy, nếu không được cấp mỏ thì ngân hàng không tiếp tục giải ngân. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo, các cơ quan chức năng sớm làm các thủ tục theo quy định để trước mắt cấp một, hai mỏ cho Công ty TNHH Ngọc Linh.
Khi giá sắt ổn định như hiện nay, Nhà máy sắt xốp Bắc Cạn sẽ hoạt động trở lại từ cuối quý III năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Lý Thái Hải khẳng định: Trong khuôn khổ quy định và khả năng thực tế, chúng tôi tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đưa nhà máy chế biến khoáng sản vào hoạt động. Qua đó, sẽ giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm, tạo ra nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải bảo vệ môi trường theo quy định, bảo đảm an toàn lao động. |
Nguồn Nhandan.com.vn