Thứ Sáu, 22/11/2024 05:37:46 GMT+7
Lượt xem: 4320

Tin đăng lúc 07-08-2016

Bắc Giang: Nhộn nhạo thị trường vật liệu không nung

Phát triển vật liệu không nung (VLKN) là chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thế nhưng hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang có hàng trăm cơ sở sản xuất VLKN nhỏ lẻ hoạt động tự phát, nhiều sản phẩm không bảo đảm chất lượng dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Bắc Giang: Nhộn nhạo thị trường vật liệu không nung

Mạnh ai nấy làm


Dẫn khách thăm xưởng sản xuất, ông Trần Hữu Hưng, tiểu khu 6, thị trấn Neo (Yên Dũng) kể, gia đình đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng cơ sở làm gạch bê tông xi măng từ hai năm nay. Lợi thế là có sẵn mặt bằng; nguyên liệu gồm mạt đá, xi măng được vận chuyển bằng đường sông giúp giảm chi phí đầu vào. Do sản xuất thủ công nên gia đình không đăng ký kinh doanh, không xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm. Tỷ lệ nguyên liệu được pha trộn theo kinh nghiệm. 

 

“Xi măng tốt thì trộn ít, còn các loại xi măng kém hơn thì phải cho tỷ lệ cao mới mới bảo đảm độ kết dính. Muốn có các sản phẩm chất lượng tốt, khách hàng phải đặt hàng trước còn loại gạch hiện có chỉ ở mức trung bình, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng" - ông Hưng cho biết.

Ông Đào Văn Luyện, cán bộ Địa chính - xây dựng thị trấn Neo xác nhận, thị trấn có hai cơ sở sản xuất VLKN bằng phương pháp thủ công, UBND thị trấn nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở chấp hành quy định như đăng ký kinh doanh, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn chất lượng hợp quy... nhưng đến nay chưa đơn vị nào thực hiện. Huyện Yên Dũng có 17 cơ sở sản xuất VLKN, tổng công suất thiết kế hơn 20 triệu viên/năm nhưng đều tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu cung cấp vật liệu cho các hộ dân xây nhà, công trình dân dụng.   

Tương tự, tại huyện Tân Yên có hơn 30 cơ sở sản xuất VLKN với sản lượng hơn 15 triệu viên/năm, hầu hết tận dụng mặt bằng, nhà xưởng, lao động tại chỗ để sản xuất, không có các giấy tờ, chứng nhận cần thiết. 

Thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất VLKN nhưng chỉ có 11 doanh nghiệp, HTX còn lại đều tự phát theo quy mô hộ gia đình. Theo quy định, trước khi đi vào hoạt động, các đơn vị phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở được cơ quan đánh giá chuyên ngành do Bộ Xây dựng chỉ định thẩm định phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng quốc gia mới được đưa sản phẩm vào lưu thông, cung ứng vật liệu cho các công trình. Tuy vậy, đến nay mới có 6 doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện này. Dẫn tới thực trạng trên là do công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng còn buông lỏng, chưa hiệu quả. 

Cạnh tranh không lành mạnh

Nhiều doanh nghiệp phản ánh thị trường VLKN đang có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi cơ sở sản xuất được đầu tư bài bản với số vốn lớn, công nghệ mới, thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý liên quan... nhưng lại bị đánh đồng, khó cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất theo kiểu tự phát có giá thành thấp. Theo ông Nguyễn Văn Dinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Clever, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), ông đã thu thập mẫu gạch không nung tại một số dự án đầu tư công không bảo đảm chất lượng, bị thấm nước rất nhanh. Thực tế này nếu không được ngăn chặn triệt để sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình, gây thiệt hại cho những đơn vị làm ăn chân chính. 

Ông Đỗ Văn Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoàn Chinh - đơn vị vừa chuyển nhà máy sản xuất gạch không nung công suất 80 triệu viên/năm từ thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) về xã Quang Châu (Việt Yên) cho rằng, gạch không nung khó phát triển thương hiệu và quảng bá do chưa in ấn trực tiếp lô gô, nhãn hiệu, tên đơn vị lên sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn tiêu thụ qua kênh tiếp thị trực tiếp đến khách hàng nên tính cạnh tranh chưa cao, sản phẩm dễ bị làm nhái, lợi dụng để trà trộn đưa vào tiêu thụ tại các công trình xây dựng.

Từ thực trạng trên, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, TP tổng hợp, báo cáo thực trạng phát triển của các cơ sở sản xuất VLKN trên địa bàn, đồng thời đề xuất biện pháp tăng cường quản lý hiệu quả các cơ sở này. Ông Vi Thanh Quyền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, với những lợi thế về bảo vệ môi trường, tạo đà cho nhiều ngành kinh tế phát triển, phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước... VLKN là xu hướng phát triển tất yếu. 

Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, xã quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng VLKN; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Một vấn đề khác đáng quan tâm là các chủ đầu tư, đơn vị giám sát phải kiểm soát chặt chẽ "đầu vào" của VLKN trong các công trình xây dựng, thực hiện đầy đủ thí nghiệm về chất lượng.

 

Nguồn: ximang.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang