Nhiều ngành phục hồi mạnh
Theo ông Vũ Minh Giang - quyền Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh: Trong bối cảnh kinh tế, chính trị khu vực, thế giới vẫn diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng sản xuất bị ảnh hưởng, nhưng với giải pháp phù hợp, nhiều doanh nghiệp bắt nhịp đẩy mạnh sản xuất trong những tháng đầu năm nên kết quả sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh vẫn duy trì và có chiều hướng phát triển tốt.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2022 của Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2022 ước tính giảm 6,89% so với tháng trước, song so với cùng kỳ năm trước lại tăng tới 31,59%; kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 19,79%.
“Nhờ tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 nhanh chóng, kiểm soát dịch tốt và việc ban hành, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi, phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số hiện nay… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2022”, ông Vũ Minh Giang cho hay.
Ông Giang cũng phân tích rõ: Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 của Bắc Ninh được khôi phục ở nhiều ngành và sản lượng sản xuất của ngành chủ lực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng cao (22,33%), do số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản xuất công nghiệp.
Đáng chú ý, hơn 60% số sản phẩm đạt được mức tăng, trong đó có 5/7 sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt được mức tăng, có 3 sản phẩm đạt được mức tăng rất cao so với cùng kỳ như: Máy in (+49,2%), màn hình điện thoại (+38%), linh kiện điện tử (+24,1%). Nguyên nhân do việc tăng cường kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa nên nhiều phẩm công nghiệp chủ yếu, sản phẩm chủ lực đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Giải pháp phù hợp
Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá trị đầu vào tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng sản lượng sản xuất. Mặt khác, ở một số ngành lao động chưa hoàn toàn trở lại làm việc cũng tác động đến hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, dịch bệnh Covid-19 dù đã được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến khó lường, tình hình chính trị thế giới biến động phức tạp, sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, không đồng đều, giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa khác có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics… gây ra không ít khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh.
Trước những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt, ông Phạm Khắc Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh - cho hay: Ngành Công Thương sẽ thực hiện đề án đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu sản xuất ngành công nghiệp, xác định và xây dựng sản phẩm công nghiệp chủ lực nhằm tối đa hóa các tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp cả chiều rộng và chiều sâu.
Trong đó, coi trọng chất lượng tăng trưởng; thực hiện quy hoạch, phát triển công nghiệp, quy hoạch công nghiệp hỗ trợ; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu, thương mại điện tử; chương trình khuyến công; phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
“Trong bối cảnh hiện nay với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do được ký kết rất cần giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”, ông Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Theo báo Công Thương