Từ triết lý nhân sinh quý giá mà cha ông ta để lại, thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay có thể liên hệ, vận dụng vào quá trình rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho bản thân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện tại.
I) Cuộc tuyển chọn người nối ngôi của Vua Hùng thứ 6: Một cuộc thi nấu ăn thuần túy hay một phép thử thâm thúy về đạo đức?
Là người dân Việt Nam, chắc hẳn bất kỳ ai trong chúng ta đều đã từng được nghe sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy, một trong những truyện cổ tích tiêu biểu nhất của kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Câu chuyện có nội dung đơn giản, dễ nhớ và hết sức nhân văn ấy đã in sâu vào ký ức của bao thế hệ người Việt. Tuy vậy, trong sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy còn ẩn chứa những tầng sâu triết lý nhân sinh với nội hàm giá trị tư tưởng đặc sắc, tiến bộ mà có thể nhiều người trong chúng ta còn chưa khám phá và lĩnh hội triệt để. Với bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng giải mã những “ẩn số” của câu chuyện cổ tích quen thuộc này, để từ đó đúc kết bí quyết và kinh nghiệm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức.
Hầu hết mọi người đều biết, sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy là câu chuyện kể về chàng hoàng tử Lang Liêu, con trai của Vua Hùng thứ 6. Lang Liêu là vị hoàng tử có tiếng thông minh, hiếu thuận, chăm chỉ việc đồng áng, sống gần gũi, hòa đồng với nhân dân. Khi vua cha tuổi đã cao, nhân dịp ngày lễ mừng thọ của mình, ngài muốn chọn người kế vị ngôi báu nên đã cho gọi tất cả các con trai đến và bảo rằng: “Trong các con, ai có thể nấu món ăn ngon nhất làm vừa ý ta, thì ta sẽ truyền ngôi cho người ấy”. Các hoàng tử vâng lệnh vua cha, hối hả lên đường tìm kiếm của ngon, vật lạ về để sửa soạn món ăn. Họ sai lính hầu, đầy tớ đi khắp mọi nơi trên đất nước, lùng sục tất thảy núi cao, rừng thẳm, biển sâu để tìm cho bằng được những loại nguyên liệu thịt, cá, rau củ và gia vị quý hiếm, độc đáo, chế biến thành những món ăn thượng hảo hạng, thơm ngon và sang trọng bậc nhất, nào là nem công chả phượng, nào là bào ngư, vi cá mập, nào là da tê ngưu, bàn tay gấu... Ngày tổ chức cuộc thi, vô vàn các loại sơn hào hải vị bày ra la liệt, cầu kỳ, hoa mỹ và hoành tráng tột cùng, khiến cho bất kỳ ai trông thấy cũng đều phải trầm trồ, choáng ngợp.
Đến lượt hoàng tử Lang Liêu cung tiến vua cha món ăn của mình, mọi người hết sức bất ngờ khi thấy chàng bày ra hai món bánh được làm từ gạo nếp có hình hài đơn sơ, giản dị, chẳng hề hào nhoáng, phi thường: Bánh Chưng hình vuông bọc lá dong xanh và Bánh Giầy hình tròn trắng tinh mềm dẻo. Thoạt tiên, ai cũng ái ngại cho chàng, ai cũng cho rằng vì Lang Liêu có người mẹ rất nghèo, không có tiền để đi xa tìm kiếm của ngon vật lạ, nên đành phải xoay xở gỡ thế bí, chế biến món ăn “cây nhà lá vườn” qua loa cho có mà thôi, ngôi báu cao quý kia sẽ chẳng bao giờ thuộc về chàng hoàng tử nghèo túng này. Tuy nhiên, sự việc đã làm cho mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, sau khi ngắm nhìn và nếm thử hai món bánh mà Lang Liêu dâng tặng, vua cha chẳng những không hề chê bai, mà trái lại, ngài còn vô cùng hài lòng, tấm tắc khen ngợi. Quả thực, hương vị tinh khiết và thơm ngon của những chiếc bánh bình dị, mộc mạc ấy đã chạm đến trái tim của vua cha - một vị vua anh minh, đức độ, ngài đã cảm nhận được tinh hoa của Đất - Trời vạn vật cùng tấm lòng hiếu nghĩa đẹp đẽ mà Lang Liêu chân thành gửi gắm vào món ăn.
Tổng kết lại cuộc thi, sau khi đã thử qua bao nhiêu sơn hào hải vị được các hoàng tử dâng lên, vua cha nhận thấy tất cả những món ăn xa xỉ, mỹ miều ấy đều không thể sánh nổi Bánh Chưng, Bánh Giầy của Lang Liêu. Chính vì vậy, Bánh Chưng, Bánh Giầy của Lang Liêu đoạt Giải Nhất và vua cha đã ưng thuận truyền ngôi cho chàng. Hoàng tử Lang Liêu trở thành vị Vua Hùng thứ 7, đế hiệu Hùng Chiêu Vương, giống như cha của mình, ngài cũng là một vị vua đức độ và anh minh, chăm lo chính sự, lấy nhân nghĩa làm gốc trị vì thiên hạ, được trăm họ hết lòng thần phục, yêu quý.
Câu chuyện cổ tích ấy đã trở nên vô cùng quen thuộc trong đời sống văn hóa Việt, chắc hẳn hầu hết người dân Việt Nam đều biết, đều ghi nhớ nằm lòng, tuy nhiên, đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Vì sao vua cha lại quả quyết chọn Lang Liêu làm người kế vị? Có đơn giản chỉ là do món ăn mà chàng làm ra rất ngon và ý nghĩa hay không? Cuộc tuyển chọn người nối ngôi của Vua Hùng thứ 6 có phải là một cuộc thi nấu ăn thuần túy không? Hay thực chất là một phép thử thâm thúy về đạo đức?
Như chúng ta đều biết theo chính sử ghi lại, Vua Hùng thứ 6 Hùng Huy Vương - cha của Lang Liêu là một vị vua hiền, tài đức vẹn toàn, được dân chúng yêu mến và tôn kính. Ngài là người đã lãnh đạo nhân dân Văn Lang thành công trong việc đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Đối với một vị vua anh minh, hiền đức như thế, thì việc lựa chọn người nối ngôi, kế tục sự nghiệp của tổ tông để trị vì xã tắc, làm cho quốc thái dân an chắc hẳn phải là một việc vô cùng hệ trọng, lớn lao, phải có sự nghiên cứu, tính toán và tổ chức cẩn thận, bài bản.
Chính vì vậy, cuộc thi nấu ăn mà Hùng Huy Vương mở ra cho các con thực chất là một phương pháp thông minh để tìm lời giải cho “bài toán nhân sự” ấy. Thông qua quan sát hành động của các “ứng cử viên” trong quá trình dự thi, nhà vua sẽ đánh giá được đạo đức, lối sống của mỗi người như thế nào, có xứng đáng để làm người đứng đầu một quốc gia, lãnh đạo và chăm lo cho cuộc sống của muôn vạn đồng bào hay không? Chính vì lẽ đó, việc Lang Liêu được chọn làm người nối nghiệp vua cha chắc chắn không đơn thuần chỉ vì Bánh Chưng, Bánh Giầy chàng làm có vị ngon, ý hay, mà lý do sâu xa là ở chỗ: Những phẩm chất đạo đức trong con người chàng rất tốt đẹp, tương lai sẽ trở thành một vị vua tử tế, nhân hậu, biết lo cho nước, cho dân.
Vua cha đã nhìn thấu được đạo đức đáng quý của Lang Liêu bộc lộ trong cả quá trình chàng nghiên cứu, sáng chế ra món bánh dự thi, đó là một hình mẫu đạo đức cần thiết của người đứng đầu, luôn được đặt trong “hệ quy chiếu vì dân, vì nước”. Tóm lại, Hùng Vương thứ 6 là vị vua anh minh, luôn làm những điều tốt đẹp cho dân, cho nước và việc ngài lựa chọn người con trai Lang Liêu kế nhiệm mình cũng là một hành động sáng suốt vì nước, vì dân, có thể coi là một công trạng lớn đối với nước nhà.
Không phủ nhận hương vị của món ăn là rất xuất sắc, nhưng đạo đức của “người đầu bếp” Lang Liêu mới đích thực là nhân tố khiến vua cha tâm đắc chấm “điểm 10” cho chàng. Vậy chúng ta hãy cùng nhìn lại xem Lang Liêu có những phẩm chất đạo đức đáng quý như thế nào?
Thông qua những chuyện xưa tích cũ và tư liệu lịch sử lưu truyền lại, chúng ta nhận thấy hoàng tử Lang Liêu có rất nhiều đức tính quý báu đáng để hậu thế noi theo, chàng có tư chất thông minh, lại cần cù, chịu khó, hăng say lao động, chàng là người lễ độ, nhân nghĩa, biết kính trên, nhường dưới, khoan dung, độ lượng, sống rất giản dị, hòa hợp với nhân dân. Trong tất cả các phẩm cách tốt đẹp ấy của chàng, thì điểm sáng nhất chính là đức tính gần dân, đây cũng là nhân tố cốt yếu trong đạo đức của một nhà lãnh đạo.
Thật vậy, đất nước Việt Nam được sinh ra từ nền văn minh lúa nước, lao động nông nghiệp là kế sinh nhai của muôn vạn đồng bào từ thuở xa xưa, hình ảnh người nông dân Việt Nam hiền lành, chất phác, quanh năm cần cù làm lụng nơi đồng ruộng, làm bạn với cái cày, cái cuốc, con trâu đã trở thành biểu tượng đẹp trong văn hóa truyền thống bao đời, phải là một con người gần dân, hiểu dân, trọng dân, gắn bó khăng khít với đời sống của nhân dân thì mới duy trì một lối sống giản dị đến thế, mới thông thạo việc đồng áng đến thế, mới biết yêu thương, quý trọng cây lúa, hạt gạo nhường ấy để có thể sáng tạo ra món ăn tuyệt vời thấm đượm hồn cốt quê hương.
Bánh Chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân Việt
Tuy là người thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng ở Lang Liêu, chúng ta không hề thấy bóng dáng của một vị quý tộc cao ngạo, mà thay vào đó là hình ảnh một người nông dân dung dị, hồn hậu, gần gũi đến lạ kỳ. Bí quyết tạo ra Bánh Chưng, Bánh Giầy được hình thành từ chân lý mà Lang Liêu đã sớm giác ngộ: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán”. Phải chăng đó chính là biểu hiện toàn vẹn và thuyết phục nhất của tinh thần gần dân, trọng dân, nêu cao trách nhiệm với nhân dân.
Quả thực, tư tưởng của Lang Liêu đã hướng đến lợi ích của nhân dân, đây là tố chất cực quý của một nhà lãnh đạo chân chính. Chàng hiểu rằng, món ăn này được làm ra bằng cả tâm hồn và bàn tay lao động hiền lương của người nông dân, để dâng cúng tổ tiên thì hết sức hợp tình hợp lý, lại không hề xa hoa, tốn kém, vì cây lúa luôn mọc trên khắp các đồng ruộng của đất nước, về lâu về dài có thể giúp tiết kiệm rất nhiều tiền bạc cho nhân dân.
Về điểm này, hậu thế chúng ta cần học hỏi nhiều ở Lang Liêu, khi mà thời nay, một số lễ hội, lễ kỷ niệm được tổ chức rùm beng, tốn kém tiền thuế của nhân dân mà chẳng thu được lợi ích gì, trước thực trạng tiêu cực đó, có lẽ chúng ta cần suy ngẫm nhiều hơn về Bánh Chưng, Bánh Giầy, để nhận ra rằng giá trị đích thực của văn hóa không bao giờ được quyết định bởi mức độ giàu sang về vật chất, để trân trọng, cảm phục hơn đạo đức và tầm nhìn xa trông rộng của hoàng tử Lang Liêu - vị tiền bối đã sáng tạo cho chúng ta món bánh vị ngon, ý đẹp, phù hợp thờ cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về, không đắt ở vật chất mà đắt ở tinh thần, là món ăn sống mãi với thời gian được tạo nên từ một tấm lòng vì dân chân chính.
Gần dân, hiểu dân đến thế, Lang Liêu chắc chắn sẽ trở thành một vị vua tốt, đó là suy nghĩ của vua cha khi tin tưởng giao ngôi báu cho chàng. Thực tế sau này đã chứng minh tư duy và dự đoán đó của vua cha Hùng Huy Vương là hoàn toàn đúng đắn và không chỉ đời Vua Hùng thứ 7 Hùng Chiêu Vương, mà còn rất nhiều trường hợp sau này trong lịch sử Việt Nam cũng đều chứng minh cho lý lẽ ấy.
Điều đó giúp ta hiểu được tại sao những vị vua sáng lập triều đại như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lê Lợi… hay vua Lê Thánh Tông có tuổi thơ lưu lạc trong dân gian đều là những đấng minh quân, thành công trong việc điều hành đất nước, làm nên những chiến công lẫy lừng cho dân tộc, là những vị anh hùng kiệt xuất được sử sách tôn vinh. Bởi vì họ trưởng thành từ trong đời sống nhân dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân, vô cùng gần gũi và thấu hiểu nhân dân, thậm chí đã từng vào sinh ra tử cùng nhân dân trong kháng chiến chống ngoại xâm cam go, khốc liệt, vậy nên hơn ai hết, họ đã lĩnh hội sâu sắc đạo lý “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” hay “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”, để từ đó, mọi chính sách được ban hành trên cương vị người đứng đầu của họ đều hướng đến nhân dân, dành những điều tốt đẹp cho nhân dân, làm sao cho nhân dân có được hạnh phúc, ấm no, thì nước nhà mới vững bền, giàu mạnh. Còn những vị vua chỉ quen sống trong nhung lụa, ích kỷ, tham tàn, bỏ mặc dân chúng để tư lợi, hưởng lạc cá nhân thì làm sao lãnh đạo được đất nước, sớm muộn gì cũng sẽ phải nhận lấy thất bại thảm hại mà thôi.
Hiểu được triết lý “lấy dân làm gốc” ẩn chứa trong Bánh Chưng, Bánh Giầy, chúng ta cũng đồng thời hiểu được vì sao ngoại trừ Lang Liêu, các hoàng tử khác sẽ không bao giờ sở hữu được ngôi báu. Vì một lẽ đơn giản rằng, họ không biết gần dân, trọng dân, không hiểu gì về đời sống nhân dân, họ chỉ lợi dụng, bóc lột sức lao động của nhân dân để phục vụ mục đích của bản thân mình. Vua Hùng thứ 6 Hùng Huy Vương hoàn toàn đúng khi không truyền ngôi cho những người con ấy. Họ đã ép dân chúng phải cực khổ lên rừng xuống biển, phải liều lĩnh đương đầu với sóng dữ biển khơi, hay hùm sói nơi rừng núi, cốt chỉ để tìm kiếm nguyên liệu quý về làm món ăn, để dấn thân vào “cuộc đua quyền lực” và thỏa mãn tham vọng chính trị của tầng lớp quý tộc.
Với những hành động như thế thì thử hỏi trong suy nghĩ của họ có chút nhân đạo nào không? Những hoàng tử ấy có xứng đáng ngồi vào ngai vàng cao quý để trị nước cứu đời hay không? Câu trả lời chúng ta đã thấy, sự anh minh của vua cha Hùng Huy Vương là điều mà có lẽ các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền của chúng ta ngày nay rất cần học hỏi trong công tác sắp xếp, lựa chọn cán bộ phục vụ cho sự nghiệp chung. Đọc sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy, bên cạnh một Lang Liêu với đạo đức sáng ngời mẫu mực, chúng ta cũng không thể không dành lời khen cho Hùng Huy Vương - vua cha của chàng, Hùng Huy Vương chỉ trọng cái đức, cái tài của Lang Liêu mà không ham cao lương mỹ vị của các hoàng tử còn lại, đó là điều rất đáng kính phục ở ngài, nếu chúng ta ngày nay có được những người đứng đầu liêm chính, sáng suốt, chí công vô tư như vậy thì hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” cũng khó có cơ hội tồn tại trong đời sống chính trị.
II) Vận dụng những triết lý nhân sinh sâu sắc trong sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời đại mới
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết những câu thơ mà có lẽ đã trở nên quen thuộc và tâm đắc với nhiều người: “Đời cha ông với đời tôi/ Như con sông với chân trời đã xa/ Chỉ còn truyện cổ thiết tha/ Cho tôi nhận mặt ông cha của mình (…) Sẽ đi qua cuộc đời tôi/ Bấy nhiêu thời nữa xa xôi chuyển dời/ Nhưng bao truyện cổ trên đời/ Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm” (trích từ bài thơ “Truyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ). Quả thực, những câu chuyện cổ tích tuy xưa cũ nhưng vẫn luôn tươi mới nếu chúng ta thực sự biết cách đọc hiểu, chiêm nghiệm và rút ra bài học quý giá ẩn sâu bên trong đó, để vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo vào đời sống xã hội đương thời.
Truyện cổ tích giúp chúng ta thêm hiểu hơn về trí tuệ, tâm hồn và nhân cách của cha ông, về tinh thần đạo nghĩa của dân tộc Việt Nam bốn nghìn năm lịch sử, giúp chúng ta có cơ hội được “ôn cố tri tân”, dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, lâu bền để xây dựng nền văn hóa nước nhà trong thời đại mới, xây dựng căn cốt đạo đức cho những con người mới xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại nhất của Đảng và và nhân dân ta luôn trân trọng và đề cao giá trị của văn học dân gian nói chung và truyện cổ tích nói riêng trong đời sống văn hóa của dân tộc, Người khẳng định: “Cần cù, giản dị, hài hòa, ngay thẳng, thủy chung, đôn hậu, trọng nhân nghĩa, ghét gian tà, yêu cộng đồng, lạc quan yêu đời, đó là những nét đặc sắc trong tính tình của người Việt mà văn học dân gian là tấm gương sáng”. Bên cạnh đó, Người cũng chỉ rõ đặc điểm của các dân tộc phương Đông là luôn tôn trọng và đánh giá cao những tấm gương đạo đức trong sáng, cao cả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Những bậc vua sáng, tôi hiền trong lịch sử từ xa xưa có công mở mang bờ cõi, giữ yên sự vững bền của xã tắc, cho đến những bậc tiên hiền, những vị có công lập làng, giữ xóm… luôn được nhân dân ghi nhận, tôn làm thánh, thờ làm thành hoàng và truyền tụng từ đời này qua đời khác. Theo Bác, đối với các dân tộc Á Đông, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Dựa trên quan điểm hết sức đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy truyện cổ tích Bánh Chưng, Bánh Giầy với những điểm sáng về đạo đức của nhân vật Lang Liêu hoàn toàn phù hợp để trở thành chỉ dẫn cần thiết cho mỗi người cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, sao cho xứng đáng với tình cảm yêu mến của nhân dân và hoàn thành những trọng trách được nhân dân tin cậy giao phó. Bởi suy cho cùng, cội nguồn đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên cũng chính là đạo đức, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam tự ngàn đời, trái tim Lang Liêu vẫn đập trong lồng ngực của những con người Việt Nam yêu nước thương dân chân chính, dù ở bất cứ thời đại nào.
Dựa trên chủ trương Đại hội XIII của Đảng là “nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”, các tổ chức Đảng, Chính quyền có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo những triết lý nhân sinh sâu sắc trong sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa Đảng trong thời đại mới, bao gồm tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó, quan trọng nhất là xây dựng Đảng về đạo đức, làm sao để có thêm “nhiều Lang Liêu hơn nữa” trong xã hội ta và Đảng ta ngày nay.
Văn kiện đại hội XIII của Đảng đã đề ra giải pháp nhằm tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, đó là: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. Ảnh minh họa: TTXVN.
1) Mỗi cán bộ, đảng viên hãy gần dân, trọng dân, nghĩ cho dân như Lang Liêu
Thiết nghĩ, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn nhận thức đúng đắn về vai trò, bổn phận của mình: Vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; cần phải chú trọng nâng cao chất lượng của công tác tiếp xúc cử tri, đối thoại và lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, giải quyết những vấn đề tồn đọng lâu ngày hay những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của người dân, đề cao hiệu quả thiết thực của việc làm, tránh căn bệnh hình thức; phải nhanh chóng giải quyết quyền, lợi ích chính đáng, những bức xúc, vụ việc nổi cộm của người dân, xóa bỏ ngay quan điểm sai trái “dân có cần nhưng quan không vội”. Cán bộ, đảng viên phải luôn bám sát phương châm “gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tuân thủ các cơ chế, quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, loại bỏ tình trạng quan liêu, xa dân.
Cán bộ muốn gần dân thì cần phải định kỳ, đột xuất, không kể thời gian đến với dân, sâu sát đời sống nhân dân, cùng trèo đèo lội suối, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để lắng nghe dân chia sẻ thì mới hiểu được những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói thật của người dân. Đồng thời, thông qua sự tiếp xúc đó, người dân cũng hiểu rõ hơn về người lãnh đạo, “người đầy tớ” của mình. Đó chính là biện pháp nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với tổ chức Đảng, với nhân dân.
Học theo đức tính gần dân của hoàng tử Lang Liêu là cách để đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta nâng cao hiệu quả của công tác dân vận, để không ngừng nỗ lực cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, giúp người dân ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.
2) Mỗi cán bộ, đảng viên hãy học Lang Liêu đức tính cần cù, hăng say lao động, hết lòng vì sự nghiệp chung
Hầu hết những câu chuyện cổ tích Việt Nam đều thể hiện tinh thần hăng say lao động, tình yêu lao động của con người và sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy cũng không phải là ngoại lệ. Trong truyện, nhờ có tinh thần lao động chăm chỉ, miệt mài, cộng với niềm say mê tìm tòi, nghiên cứu nên Lang Liêu đã nắm rất vững những kiến thức về nông nghiệp, dinh dưỡng, ẩm thực, để từ đó sáng tạo ra Bánh Chưng, Bánh Giầy - món ăn kinh điển trường tồn cùng văn hóa dân tộc. Cũng nhờ quá trình lao động chân chính từ đôi bàn tay tự lực tự cường, chàng hoàng tử nghèo Lang Liêu đã xuất sắc vượt qua đối thủ là những người anh em giàu có nhưng đối xử chuyên quyền, hà khắc với dân, để giành chiến thắng đầy tự hào trong cuộc cạnh tranh ngôi báu.
Điều đó đã thể hiện trọn vẹn tinh thần đạo đức cao cả của dân tộc Việt Nam: “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, đồng thời, phản ánh sâu sắc ý chí, nguyện vọng và niềm tin to lớn của toàn thể nhân dân lao động, rằng một khi con người ta luôn cần mẫn, nỗ lực để lao động chân chính thì chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khổ đau, không ngừng vươn lên trong cuộc sống và đi tới bến bờ hạnh phúc, vinh quang. Triết lý đó trong truyện cổ tích nói chung và trong sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy nói riêng có tác dụng khích lệ rất tốt đối với hậu thế ngày nay, giúp chúng ta hiểu được vai trò to lớn của lao động đối với đời sống, những giá trị thiết thực mà chỉ nhờ lao động mới có được, thúc đẩy tinh thần tìm tòi, sáng tạo trong lao động, sản xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở bất cứ thời nào.
Mỗi cán bộ, đảng viên hãy học Lang Liêu đức tính cần cù, hăng say lao động, hết lòng vì sự nghiệp chung. Công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang cần đến nguồn nhân lực to lớn với chất lượng cao, chỉ có sự tự giác, tích cực, sáng tạo trong lao động sản xuất mới có thể giúp chúng ta bắt kịp sự phát triển của thế giới.
Đúng như Các Mác đã từng nói: “Địa vị không đem lại hạnh phúc cho con người, chỉ có lao động chân chính mới khiến lòng người thỏa mãn”, chúng ta hãy quyết tâm, nỗ lực hết mình trong lao động, đừng quá coi trọng địa vị, chức vụ, danh xưng, giải thưởng mà quên mất rằng, lao động chính là vinh quang, là quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Lẽ sống đẹp ấy chúng ta đã được thấy rõ ở Lang Liêu - chàng hoàng tử nông dân thuở xưa đi lên từ ruộng lúa nương ngô, tay cuốc, tay cày cần lao mà làm nên đại nghiệp, được muôn dân tôn kính mãi ngàn đời.
Cán bộ, đảng viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn hăng say lao động để giữ vững dòng điện quý giá cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Ảnh minh họa: evn.com.vn
3) Mỗi cán bộ, đảng viên hãy học Lang Liêu lối sống giản dị, trong sạch, không màng danh lợi, không ham vinh hoa phú quý
Đức tính giản dị, lành mạnh, tiết kiệm là một phần không thể thiếu trong hệ giá trị đạo đức của cán bộ, đảng viên, được biểu hiện thông qua các hành vi ăn, mặc, ở, đi lại, trong cách quan hệ ứng xử cụ thể giữa con người với con người, nhất là đối với nhân dân. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay, đã có rất nhiều đảng viên được nhắc đến là tấm gương sáng ngời về lối sống giản dị, trong sạch, được quần chúng nhân dân vô cùng yêu mến, tiêu biểu như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh… và hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một trong những đảng viên giữ cương vị lãnh đạo cấp cao có lối sống hết sức giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành, là biểu tượng uy tín của một người cộng sản chân chính với phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, cao đẹp.
Tấm gương của các đảng viên ấy đã không ngừng tô thắm cho truyền thống đạo đức cách mạng tốt đẹp, vẻ vang của Đảng ta trong hơn 90 năm qua, đồng thời cũng là biểu hiện của sự gìn giữ, phát triển và lan tỏa hệ giá trị văn hóa, nhân văn cốt lõi của dân tộc Việt Nam được cha ông ta từ ngàn xưa truyền lại, trong đó, đạo đức của hoàng tử Lang Liêu là một ví dụ điển hình.
Bên cạnh những đảng viên có lối sống giản dị, trong sạch, thì hiện nay cũng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, xa hoa, lãng phí, suy thoái về đạo đức, lối sống, vấn nạn này đã và đang làm xói mòn nền tảng đạo đức tốt đẹp của Đảng, xói mòn văn hóa Đảng trước quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, phòng chống tham nhũng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Quán triệt xuyên suốt phương châm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, qua đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu, trông cậy của quần chúng nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên hãy không ngừng tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống theo tấm gương của những bậc hiền nhân trong lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hay hoàng tử Lang Liêu đáng kính. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Tư cách con người là sống làm sao để con cháu phải nể, sống làm sao để khi nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận”, quả đúng là như vậy, xưa nay, chỉ những con người không màng danh lợi bản thân, sống hết lòng vì dân, vì nước mới được hậu thế lưu danh, tiếng thơm vang mãi muôn đời. Cũng chính vì lẽ đó, hình ảnh Lang Liêu giản dị, đức độ và món Bánh Chưng, Bánh Giầy chân phương, mộc mạc mới trường tồn cùng dân tộc, qua hàng ngàn năm vẫn còn lưu giữ mạch nguồn văn hóa Việt Nam thảo thơm, tươi đẹp, vẫn dẫn đường cho con cháu soi sửa đạo đức, lương tri để tận tâm, tận lực phụng sự nước nhà.
4) Trong công tác cán bộ, các cơ quan, tổ chức cần phải công tâm lựa chọn những con người có đức, có tài, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và nói không với “chạy chức, chạy quyền”, giống như Vua Hùng thứ 6 đã chọn Lang Liêu làm người kế nhiệm
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.
Coi trọng vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là trong công tác cán bộ, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng làm tốt công tác phát triển đảng viên, các cấp ủy Đảng cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là: “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang; quan tâm phát triển đảng viên là công nhân, trí thức, doanh nhân để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp”.
Cần tuân thủ nghiêm chỉ dẫn của V.I. Lê-nin trong phát triển đảng viên, đó là “thà ít mà tốt”, bởi vì Đảng vững mạnh không phải ở số lượng đông đảo đảng viên, mà ở sức mạnh to lớn, đầy thuyết phục do những thành viên xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng sản thể hiện trước quần chúng nhân dân, trong thực tiễn cách mạng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thiết nghĩ, cách mà Vua Hùng thứ 6 Hùng Huy Vương lựa chọn người kế nhiệm trong sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy có thể coi là một ví dụ điển hình, sinh động về “công tác cán bộ” được thực hiện đúng đắn, sáng suốt, mặc dù câu chuyện ấy đã diễn ra từ hàng ngàn năm về trước. Sự thật là Hùng Huy Vương đã đánh giá đúng về phẩm chất, năng lực của các “ứng cử viên”, ngài đã tinh tế nhìn ra được đạo đức trong sáng và tài năng sáng tạo của Lang Liêu, đồng thời, ngài cũng tỉnh táo nhận ra những điểm chưa tốt trong tính cách, lối sống của các hoàng tử còn lại như bệnh lãng phí, ích kỷ, vô cảm, bệnh thành tích, để đi đến một quyết định cuối cùng rất đúng đắn, rất công bằng, lựa chọn được người xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ, nhằm mục tiêu tối thượng là mang lại lợi ích cho nước, cho dân.
Nếu các cơ quan, tổ chức ngày nay đều làm việc một cách công tâm, khách quan và nói không với “chạy chức, chạy quyền” trong công tác quy hoạch, lựa chọn sử dụng cán bộ, công tác phát triển đảng viên giống như những gì Vua Hùng thứ 6 đã làm trong sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy, thì chắc chắn Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch vững mạnh, ngày càng nâng cao uy tín và sức chiến đấu, để làm tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Lời kết:
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc đó là: xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại. Thiết nghĩ, việc vận dụng những triết lý nhân sinh sâu sắc trong sự tích Bánh Chưng, Bánh Giầy vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng văn hóa Đảng có thể coi là một cách làm cụ thể, thiết thực, góp phần hiện thực hóa phương châm quan trọng ấy của Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Là con người Việt Nam, có ai mà không yêu hương vị của Bánh Chưng, Bánh Giầy, yêu cái Tết cổ truyền của dân tộc, Bánh Chưng, Bánh Giầy không chỉ kéo những người con xa quê về gần hơn với gia đình, với quê hương xứ sở, mà còn có đủ sức mạnh văn hóa tinh thần để kéo những cán bộ, đảng viên đang trên đà xa rời lý tưởng cách mạng trở về với hệ giá trị đạo đức chuẩn mực, tốt đẹp của Đảng, cũng chính là của dân tộc Việt Nam.
Ngày xuân, đào mai khoe sắc, không khí sum họp đầm ấm, vui tươi lan tỏa khắp mọi nhà, ăn một miếng Bánh Chưng, Bánh Giầy, chợt cảm thấy tim mình lắng đọng khi tưởng nhớ đến công đức của tiền nhân, ta lại bồi hồi tự hỏi bản thân: Đã làm được những gì cho Nhân dân và Đất nước? Câu trả lời cho câu hỏi ấy, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải nhanh chân tự đứng dậy đi tìm, thông qua những việc làm rõ ràng, thiết thực hằng ngày trong học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu, như Lang Liêu xưa đã tìm ra cách làm Bánh Chưng, Bánh Giầy bằng trái tim thương dân, yêu nước, bằng đạo đức sáng ngời được hậu thế mãi noi theo./.
Nguyễn Thành Trung - Trưởng ca Nhiệt điện Thái Bình
Chi bộ Kỹ thuật, Đảng bộ Công ty Nhiệt điện Thái Bình,
Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam